Đây không chỉ được xem là “điểm nhấn” du lịch cộng đồng mà còn xây dựng thành một mô hình kiểu mẫu về tổ chức lại sản xuất cho nông dân; giúp người dân phát triển kinh tế một cách ổn định, bền vững, có thu nhập cao, phù hợp với hướng phát triển du lịch cộng đồng thân thiện với môi trường thiên nhiên và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Các hạng mục công trình theo thiết kế của Đề án “Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông” thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi đang được thi công. Ảnh: Thế Học |
Qua trao đổi với đồng chí Dương Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc (Hà Giang), được biết: Xã Pả Vi là cửa ngõ của trung tâm huyện Mèo Vạc; trong đó, thôn Pả Vi Hạ nằm sát Quốc lộ 4C, thuận lợi cho giao thương, trao đổi hàng hóa. Lâu nay, người dân trong thôn có truyền thống trồng cỏ chăn nuôi đại gia súc nên có tiềm năng hình thành vùng chăn nuôi bò hàng hóa. Mặt khác, xã nằm trong vùng Công viên Địa chất toàn cầu – Cao nguyên đá Đồng Văn, có danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng; có điểm trồng hoa Tam giác mạch; truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc Mông đặc sắc (xã có 92% đồng bào dân tộc Mông), có tiềm năng lớn về du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, đến nay, đời sống của người dân trong xã và thôn còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao; thu nhập bình quân đầu người thấp; truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc ngày bị mai một. Hình thức du lịch cộng đồng tại địa bàn xã còn hết sức mới mẻ; sự giao thoa, trao đổi giữa người dân và khách du lịch còn nhiều hạn chế do bất đồng ngôn ngữ; tư duy làm du lịch của nhân dân trên địa bàn xã còn hạn chế; trong khi đó, lực lượng lao động khá dồi dào, tiềm năng phát triển sản xuất và khai thác du lịch để phát triển kinh tế còn rất lớn, có nhiều cơ hội trở thành điểm thu hút du khách đến với địa phương.
Để khai thác, phát huy tiềm năng đó, huyện Mèo Vạc đã triển khai Đề án xây dựng mô hình “Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông” gắn với xây dựng NTM ở thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi. Đề án có quy mô tổng diện tích 46.430 m2; trong đó, khu dân cư tập trung có diện tích 16.600 m2 với 30 hộ tham gia; diện tích còn lại xây dựng các công trình công cộng và khu chăn nuôi tập trung, khu trồng cỏ cao sản; tổng mức đầu tư của Đề án trên 22 tỷ đồng. Bố cục không gian kiến trúc tổng thể mang đặc trưng kiến trúc của khu dân cư miền núi; các công trình liên kết với nhau tạo nên một quần thể kiến trúc mang bản sắc văn hóa dân tộc địa phương đó là hình ảnh bông hoa Đào 5 cánh. Mặt bằng tổng thể khu vực được nghiên cứu một cách hợp lý, tạo môi trường sống thuận tiện và năng động theo nhu cầu sử dụng; kiến trúc nhà ở được xây dựng theo kiến trúc nhà ở truyền thống của người Mông.
Phối cảnh tổng thể Đề án “Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông” thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi. Ảnh: ĐẶNG KIM |
Đánh giá về hiệu quả của Đề án, đồng chí Hầu Minh Lợi, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc cho biết: Qua việc xây dựng sẽ giúp cho hệ thống kết cấu hạ tầng của Làng văn hóa du lịch cộng đồng được đầu tư, nâng cấp đồng bộ; trở thành điểm sáng trong phát triển chăn nuôi gắn với du lịch cộng đồng của huyện, của tỉnh; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; việc cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất được cải thiện. Các hộ gia đình đều được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; tạo sự đoàn kết trong cộng đồng, phát huy tinh thần tương thân, tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, XĐGN, tạo sức lan tỏa sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Được biết, trong lộ trình giai đoạn 2016 – 2018, huyện Mèo Vạc tập trung triển khai thực hiện công tác thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng; san lấp mặt bằng; làm đường giao thông nội thôn; các công trình cấp điện, cấp nước; nhà văn hóa, bãi đỗ xe; tổ chức xét duyệt, lựa chọn các hộ tham gia Đề án; thành lập HTX dịch vụ du lịch cộng đồng; hỗ trợ kinh phí xây dựng chuồng trại chăn nuôi tập trung; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nhân dân trong Làng văn hóa về kỹ thuật trồng cỏ, chăn nuôi bò; tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà vệ sinh, mua sắm trang thiết bị, cải tạo cảnh quan, thiết kế kiến trúc theo chính sách khuyến khích phát triển du lịch của tỉnh... Đến nay, huyện Mèo Vạc đã thành lập BCĐ trực tiếp đôn đốc, kiểm tra trong quá trình triển khai. Đặc biệt, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất trong nhân dân và làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nên các hạng mục đang được triển khai theo tiến độ.
Đề án xây dựng mô hình “Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông” gắn với xây dựng NTM tại thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi được đánh giá sẽ tạo ra sự đột phá về phát triển KT – XH, AN – QP, mang lại môi trường sống và lao động sản xuất gắn với truyền thống văn hóa của người dân, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường bền vững. Việc triển khai thành công Đề án sẽ là cơ sở để nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Trong một thời gian không xa, “Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông” sẽ là điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đặt chân đến Mèo Vạc.
Theo baohagiang.vn
Tin liên quan:
Đổi thay diện mạo nông thôn Mèo Vạc
Đổi thay diện mạo nông thôn Mèo Vạc