Khai thác thế mạnh du lịch đặc trưng ở vùng biên Bù Gia Mập

Bù Gia Mập là một trong những huyện biên giới của tỉnh Bình Phước có nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa phong phú, đa dạng. Việc phát huy các giá trị thiên nhiên, di sản văn hóa của địa phương để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng là hướng đi đúng đắn, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại.

vna_potal_39_cay_di_san_viet_nam_tai_vuon_quoc_gia_bu_gia_map_binh_phuoc_7201622.jpg
Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (nằm trên địa bàn huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) hiện có 39 cây di sản có tuổi từ khoảng 200-450 tuổi được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao tặng bằng công nhận, bao gồm: quần thể 37 cây Săng lẻ, 1 cây Sộp, 1 cây Tung. Trong ảnh: Cây di sản được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao tặng bằng công nhận ngày 25/11/2022. Ảnh: K GỬIH -TTVXN

Tiềm năng phát triển du lịch

Huyện Bù Gia Mập có Vườn quốc gia Bù Gia Mập nằm tại xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập. Vườn có tổng diện tích hơn 25.601 ha, trong đó chủ yếu là rừng nguyên sinh, sở hữu cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng và phong phú.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập được công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh từ năm 2022, đến nay đã thu hút được khoảng 25.000 lượt khách đến tham quan trải nghiệm, du lịch. Thời gian qua, Vườn đã xây dựng 9 điểm để đưa vào khai thác du lịch như: khu Cứu hộ động vật hoang dã, nhà dài S’tiêng, hồ Hoa Mai, điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu VK96, quần thể cây di sản, thác Lưu Ly, thác Đắk Bô, thác Đắk Mai, Trạm Kiểm lâm số 2. Ngoài ra, Vườn còn xây dựng được 7 tuyến chính để đưa vào khai thác du lịch.

Ông Đỗ Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyên truyền, Du lịch và Cứu hộ, bảo tồn - Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cho biết, Vườn là khu rừng nguyên sinh, tài nguyên du lịch tự nhiên sẵn có rất phong phú, đa dạng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch để phục vụ du khách như: phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm khám phá thiên nhiên hoang sơ, du lịch mạo hiểm, du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch xanh, du lịch tuần hoàn và các dịch vụ vui chơi giải trí...

Huyện Bù Gia Mập còn là nơi lưu giữ lại các di tích lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc như: Di tích điểm cuối ống dẫn xăng dầu VK96, Chốt Mỹ, Sân bay Bù Gia Mập, Hang Trung đoàn, Bệnh xá Bắc Sơn, các cột mốc biên giới... Đây là điều kiện để phát triển các sản phẩm du lịch như: du lịch tìm hiểu về lịch sử, du lịch vùng biên giới, du lịch về nguồn, địa chỉ đỏ, học tập ngoại khóa…

Đặc biệt, Bù Gia Mập có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống với những nét văn hóa độc đáo, nhất là người dân tộc bản địa S’tiêng và M’nông; các lễ hội mừng lúa mới, lễ hội cồng chiêng, lễ hội truyền thống; các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan lát, nấu rượu cần… Ngoài ra, ẩm thực của người dân nơi đây cũng đa dạng phong phú như: cơm lam, rượu cần, thịt gác bếp, gà nướng nguyên thủy, cá suối, rau rừng… Người dân tộc thiểu số ở đây chiếm tỷ lệ khá cao, là nguồn lao động dồi dào, có thể tham gia phục vụ hoạt động du lịch sinh thái hay những hoạt động du lịch cộng đồng tại địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập Tạ Hồng Quảng cho biết, huyện có những đặc trưng phong phú về cảnh quan thiên nhiên, là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số. Đây là "cơ hội vàng" cho việc phát triển du lịch bền vững, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, mang dấu ấn riêng. Huyện định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng không chỉ là một yêu cầu cần thiết mà còn là cơ hội để giới thiệu bản sắc văn hóa, lịch sử, thiên nhiên đến với du khách.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng

Với những đặc trưng riêng biệt, Thạc sĩ Phạm Hữu Hiến, Trường Đại học Bình Dương cho rằng, Bù Gia Mập có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 36%, có các nghề thủ công như chế biến rượu cần, đan lát, dệt thổ cẩm... Đây là những nghề có giá trị văn hóa độc đáo, khác biệt. Địa phương cần xây dựng một số hộ gia đình thực hành các nghề này để trở thành điểm đến cho du khách. Vị trí thực hiện phù hợp và mang lại hiệu quả cao là khu vực xã Bù Gia Mập. Ngoài ra, Bù Gia Mập có thể khôi phục và duy trì một số lễ hội truyền thống của người S‘tiêngM’nông, trong đó nổi bật là lễ mừng lúa mới, nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, múa dân gian, hát ru...

vna_potal_binh_phuoc_cong_nhan_nghe_dan_gui_va_nghe_det_tho_cam_cua_nguoi_s’tieng_la_di_san_van_hoa_phi_vat_the_quoc_gia_7377767.jpg
Đồng bào S’tiêng tham gia dệt thổ cẩm tại lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: TTXVN phát

“Du lịch trải nghiệm di sản văn hóa vật thể thông qua một số hộ gia đình còn gìn giữ được các vật dụng, đồ vật gắn với văn hóa của người S’tiêng, M’nông như: tố, ché, xá, chà gạt. Địa phương nên tổ chức lại các gia đình còn lưu giữ các di sản này, xây dựng thông tin đầy đủ về các di sản, từ đó xây dựng sản phẩm du lịch với điểm đến là các gia đình có các di sản này“, ông Phạm Hữu Hiến chia sẻ thêm.Bên cạnh những giá trị văn hóa đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên phong phú, những sản phẩm nông nghiệp của địa phương sẽ tạo điểm nhấn và kết nối với khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Bà Võ Thị Hiền, chủ cơ sở sản xuất Tiêu sạch Cô Hai (xã Đắk Ơ) cho rằng, du khách có thể tham gia các tour khám phá, tham quan các vườn tiêu, có cơ hội đi bộ qua các vườn tiêu xanh mát, tương tác với nông dân và tìm hiểu về quy trình trồng, chăm sóc tiêu, từ đó tạo cảm giác thú vị và gần gũi với nghề nông.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước), để phát triển du lịch trong thời gian tới, huyện Bù Gia Mập cần chú trọng nâng cao các dịch vụ du lịch tại Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Bù Gia Mập; đăng ký kế hoạch sử dụng đất và lập quy hoạch khu dịch vụ du lịch lòng hồ Thác Mơ và các điểm du lịch gắn với du lịch nông thôn; hỗ trợ Vườn Quốc gia Bù Gia Mập hình thành các dịch vụ du lịch gắn với các hoạt động trải nghiệm cùng sinh hoạt với cộng đồng người M’nông và S’tiêng... Huyện cần chú trọng đến nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ môi trường du lịch, đảm bảo các tiêu chí theo phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Ông Nguyễn Văn Oai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Phước cho rằng, để kết nối các điểm đến du lịch trên cùng một cung đường, sản phẩm du lịch là điều mang tính quyết định để thu hút du khách. Các điểm đến trên cùng một cung đường, hay trong cùng một hệ sinh thái, một vùng cần tìm ra thế mạnh, đặc trưng riêng, bản sắc riêng, đặc sắc nhất của mình để liên kết giúp nhau cùng lớn mạnh.

Với tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa sẵn có, huyện biên giới Bù Gia Mập đủ tiềm năng phát triển du lịch với các khu, điểm du lịch cụ thể, các sản phẩm du lịch cụ thể và các hoạt động du lịch hấp dẫn. Việc khai thác thế mạnh, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng sẽ mang lại điểm đến hấp dẫn của ngành Du lịch huyện biên giới Bù Gia Mập nói riêng, tỉnh Bình Phước nói chung.

K GỬIH

Có thể bạn quan tâm