Ruộng lúa đặc sản hữu cơ của ông Nguyễn Ngọc Triều. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN |
Ở cả 2 vụ lúa, ông Triều đều thực hiện nghiêm quy trình sản xuất lúa hữu cơ theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Ông áp dụng đúng quy trình 5 không - 5 có. Có nghĩa là, không sử dụng thuốc hóa học, phân bón vô cơ, giống biến đổi gen và ghi chép nhật ký đầy đủ; trách nhiệm, trung thực, minh bạch; có chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ; có kết qua kiểm tra sản phẩm không sử dụng chất cấm…
Ông Triều cho biết, vụ đầu, nhờ thời tiết thuận lợi hơn nên năng suất khoảng 5 tấn/ha. Vụ lúa này do mưa dầm ngay dịp đòng trổ nên năng suất giảm chỉ đạt hơn 4 tấn/ha. Với 1,5 ha canh tác theo mô hình này, sau khi thu hoạch, sản lượng được doanh nghiệp bao tiêu với giá 8.400 đồng/kg. Trừ chi phí, ông Triều lãi trên 30 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với trồng lúa thường. Vụ lúa đầu năm, năng suất, được giá nên lãi nhiều hơn.
Theo ông Triều, sản xuất lúa theo mô hình hữu cơ không khó nhưng phải kiên trì, tránh nóng vội. Ngoài lợi nhuận cao, mô hình này giúp bảo vệ sức khỏe, góp phần cải tạo thổ nhưỡng, môi trường sinh thái…nên cần được nhân rộng.
Nông dân tham quan mô hình lúa đặc sản hữu cơ của ông Nguyễn Ngọc Triều. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN |
Sóc Trăng đang hướng đến nhân rộng mô hình lúa đặc sản hữu cơ và xây dựng theo chuỗi giá trị. Năm 2017, diện tích lúa đặc sản, lúa thơm các loại của Sóc Trăng trên 177.000 ha, chiếm 50,6% tổng diện tích lúa cả tỉnh; trong đó, diện tích lúa đặc sản ST chiếm gần 10.000 ha, riêng lúa ST24 là lúa đặc sản có chất lượng gạo đặc biệt thơm ngon được Hội nghị quốc tế lần 9 về thương mại gạo tổ chức tại Ma Cao Trung Quốc tháng 11/2017 vinh danh là một trong 3 loại gạo ngon nhất thế giới cũng được nhiều nông dân Sóc Trăng áp dụng theo mô hình sản xuất hữu cơ.
Đặc biệt, việc sản xuất lúa hữu cơ của nông dân đã được Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (Sóc Trăng) xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất gạo ST24 hữu cơ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao, từ 8.300 - 8.500 đồng/kg. Hiện sản phẩm gạo ST24 hữu cơ của doanh nghiệp này đã được tổ chức Chứng nhận quốc tế Control Union (Hà Lan) chứng nhận đạt 2 tiêu chuẩn USDA-NOP của Hoa Kỳ và Tiêu chuẩn EEC 834/2007 của châu Âu. Có thể coi đây là bước khởi đầu thuận lợi cho việc hình thành, phát triển nông nghiệp hữu cơ, chủ yếu tập trung vào gạo ST của tỉnh Sóc trăng trong thời gian tới.
Trung Hiếu