Long An xây dựng vùng lúa ứng dụng công nghệ cao 60.000 ha

Khảo sát tình hình sản xuất lúa tại hợp tác xã Hương Trang, xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa. Ảnh: baolongan.vn
Khảo sát tình hình sản xuất lúa tại hợp tác xã Hương Trang, xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa. Ảnh: baolongan.vn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, sau thời gian triển khai, đến nay các mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người nông dân nâng cao năng suất và thu nhập.

Long An xây dựng vùng lúa ứng dụng công nghệ cao 60.000 ha ảnh 1Khảo sát tình hình sản xuất lúa tại hợp tác xã Hương Trang, xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa. Ảnh: baolongan.vn

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết, Long An phấn đấu đến năm 2025 sẽ có vùng lúa ứng dụng công nghệ cao đạt 60.000 ha. Điều này góp phần hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định, lâu dài, đáp ứng mục tiêu nâng cao giá trị chuỗi lúa gạo, bảo đảm an ninh lương thực. Đồng thời phục vụ chế biến, xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao và giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việc triển khai các mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn đã và đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có gần 47.200 ha lúa ứng dụng công nghệ cao, đạt 78,6% so với kế hoạch đến năm 2025. Năng suất các mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao đạt 72 - 75 tạ/ha, cao hơn so với bên ngoài khoảng 3 tạ/ha. Chi phí sản xuất giảm bình quân 1,4 triệu đồng/ha. Sản phẩm lúa được bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường 100 - 300 đồng/kg, lợi nhuận bình quân 27 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình khoảng 3,2 triệu đồng/ha.

Đặc biệt, việc triển khai chương trình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm được lượng giống gieo sạ 10 - 20 kg/ha so với ngoài mô hình; sử dụng phân đạm chậm tan và thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo thời gian cách ly theo tiêu chuẩn xuất khẩu (đặc biệt là tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu) nên giảm được lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; ứng dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật cũng giúp giảm được 20-30% liều lượng so với cách phun thông thường, qua đó, bảo đảm sức khỏe nông dân... Nông dân thay đổi tập quán sản xuất theo hướng hiện đại hóa, nâng cao năng suất và thu nhập.

Ông Mai Văn Rết (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) cho biết, trước đây, sản xuất theo kiểu truyền thống, năng suất bấp bênh, thường xuyên bị thương lái ép giá. Từ khi địa phương triển khai sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa, năng suất ổn định hơn trước, giảm chi phí sản xuất lại được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Do đó, ông Rết đã mạnh dạn đầu tư, nhân rộng việc ứng dụng công nghệ cao vào trồng lúa trên toàn bộ phần diện tích 6 ha của gia đình.

Theo ông Trần Văn Sữa, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ, Sản xuất và Thương mại Nông nghiệp Hương Trang (huyện Mộc Hóa), Hợp tác xã hiện đang sản xuất lúa theo mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Với 600 ha sản xuất lúa, Hợp tác xã Hương Trang hiện đang thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa, đồng bộ cơ giới hóa 100% từ khâu làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản lúa. Đồng thời, thực hiện chặt chẽ chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra ổn định cho các thành viên trong Hợp tác xã.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Long An, chương trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa đang dần chứng mình là hướng đi đúng, bền vững và phù hợp với nền nông nghiệp hiện đại. Các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa, giảm lượng giống gieo sạ, sử dụng phân hữu cơ sinh học… tiếp tục mang lại hiệu quả cao, góp phần chuyển biến tích cực trong nhận thức và được nông dân mạnh dạn áp dụng góp phần mang cao hiệu quả sản xuất. Việc xây dựng vùng lúa ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu được nhiều doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, nông dân an tâm sản xuất và có lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa theo kiểu truyền thống.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết, từ những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình theo hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; triển khai xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, mô hình giảm lượng phân bón vô cơ trong sản xuất.

Ngành nông nghiệp tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; lồng ghép các nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi đang triển khai trên địa bàn để phục vụ vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng sẽ tập trung rà soát, hướng dẫn và hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác kết nối với các doanh nghiệp thu mua, qua đó ổn định đầu ra bền vững cho người nông dân.

Bùi Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm