Long An thực hiện nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp

Long An thực hiện nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp
Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh Long An tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ, đồng loạt né rầy; tăng cường chăm sóc lúa Hè Thu và Thu Đông năm 2018; thực hiện phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi; tăng cường phối hợp với các huyện vùng hạ (Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ) theo dõi chặt chẽ và hướng dẫn kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi; triển khai thực hiện Kế hoạch bảo vệ phát triển rừng và đẩy mạnh trồng cây phân tán.
Nông dân xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An đang cấy bằng máy cấy mạ khay. Ảnh:An Hiếu
Nông dân xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An đang cấy bằng máy cấy mạ khay. Ảnh:An Hiếu

Đồng thời, tăng cường thanh tra chuyên ngành, làm tốt vai trò quản lý Nhà nước trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, lĩnh vực thú y đảm bảo lợi ích người nông dân.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh Long An cũng đang tập trung xây dựng hợp tác xã điểm ứng dụng công nghệ cao với quy trình, cách làm cụ thể, rõ ràng hiệu quả giúp người dân làm theo; khẩn trương rà soát điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp, tạo điều kiện tiếp nhận các dự án đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa trong sản xuất gắn với truy suất nguồn gốc, hỗ trợ xây dựng điểm bán thực phẩm an toàn trên địa bàn Long An.
 
Năm 2018, tỉnh Long An tiếp tục thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; trong đó, chú trọng việc triển khai hiệu quả Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng 4 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, lúa, rau, thanh long và bò thịt, nhằm tạo bước đột phá phát triển của tỉnh đến năm 2020.
 
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, 6 tháng đầu năm 2018, Chương trình đột phá của tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ công chức, người lao động, nhất là nông dân để thực hiện.
Nông dân ở xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An đang được tập huấn kiến thức sau khi ứng dụng mô hình sản xuất lúa công nghệ cao trong sản xuất lúa. Ảnh: Anh Đức - TTXVN
Nông dân ở xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An đang được tập huấn kiến thức sau khi ứng dụng mô hình sản xuất lúa công nghệ cao trong sản xuất lúa. Ảnh: Anh Đức - TTXVN

Đặc biệt, hậu quả của xâm nhập mặn lịch sử năm 2016 được khắc phục, không còn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dẫn đến tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 5,12%, cao nhất trong 3 năm gần đây.
 
Ngoài ra, năng suất, sản lượng lúa, chanh, thanh long và tiêu thụ các mặt hàng nông sản tương đối tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái, giá bán cao nông dân có lãi.
 
Vụ Đông Xuân 2017-2018, toàn tỉnh gieo sạ gần 238 nghìn ha, tăng 0,6% so cùng kỳ, năng suất 60,9 tạ/ha (tăng 5,2 tạ/ha so cùng kỳ), sản lượng đạt trên 1.448 nghìn tấn, bằng 110% so cùng kỳ.
 
Cụ thể, sản lượng lúa chất lượng cao khoảng 720 nghìn tấn, và nông dân lãi từ 20 đến 25 triệu đồng/ha. Riêng đối với vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, nông dân lãi từ 20 đến 30 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình 4 đến 6 triệu đồng/ha.
 
Nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cho năng suất, hiệu quả cao hơn; nuôi thủy sản nước ngọt tiếp tục phát triển, với diện tích 1.650 ha; khoảng 1.091 ha diện tích ao ươm cá tra giống; trong đó, có trên 80% diện tích ươm cho lợi nhuận cao từ 330 triệu đến 400 triệu đồng/ha.../.
 Thanh Bình
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm