Các đại biểu và doanh nghiệp dự Hội nghị kết nối, xúc tiến xuất nhập khẩu nông sản, trái cây và thủy sản năm 2019 tại Lào Cai tham quan gian hàng trưng bày, tìm hiểu mở rộng thị . Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN |
Sau 9 năm thực hiện, đề án đã cho thấy sự tác động rõ rệt của các cơ chế chính sách lên các mô hình nông nghiệp được triển khai tại địa phương, tạo bước chuyển mình cho phong trào xây dựng nông thôn mới nơi vùng cao Lào Cai. Hợp tác xã Quý Hiền ở huyện Bảo Thắng, Lào Cai là đơn vị điểm của mô hình "Doanh nghiệp- Hợp tác xã– Nông dân" được gắn kết thông qua hợp đồng tiêu thụ. Khi chưa có Quyết định 23/TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc tuyên truyền triển khai chủ trương của hợp tác xã không được sâu rộng nên nông dân và xã viên chưa tin tưởng. Đặc biệt, các tổ chức thực hiện hợp đồng sản xuất tiêu thụ sản phẩm, cung ứng vật tư giữa hợp tác xã với doanh nghiệp đạt hiệu quả thấp. Ông Phan Quốc Ân, Chủ nhiệm hợp tác xã Chăn nuôi Quý Hiền cho biết, khi được tham gia dự án, bà con xã viên bước đầu được làm quen với mô hình buôn bán qua thương mại điện tử. Dự án đã hỗ trợ hợp tác xã thành lập một trang website để quảng bá thương hiệu sản phẩm, từ đó đã thực hiện thành công một số hợp đồng dịch vụ như dịch vụ cung ứng con giống, dịch vụ tư vấn lắp đặt thiết bị chuồng trại cho một số khách hàng và một số dịch vụ khác, có logo riêng và đăng ký mẫu nhãn hiệu hàng hóa của hợp tác xã. Tham gia vào mô hình, các xã viên còn được hỗ trợ cải tạo chuồng trại theo công nghệ tiên tiến. Doanh số bán ra ngày càng tăng, trừ chi phí mỗi hộ lãi bình quân từ 200 - 350 triệu đồng/hộ. Chất lượng sản phẩm tốt, được thị trường chấp nhận. Đến nay, hợp tác xã Quý Hiền đã liên kết cung ứng gần 40.000 tấn thức ăn, trên 5 triệu con giống, gần 30 tỷ tiền thuốc thú y và thu mua tiêu thụ gần 30.000 tấn gia súc, gia cầm. Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị chăn nuôi khác nên mô hình này đang là hình mẫu về mô hình tiêu thụ gắn với vật tư nông nghiệp. Hiện hợp tác xã đã liên kết phát triển thêm lĩnh vực chăn nuôi gia súc (lợn) và đang nghiên cứu phát triển chăn nuôi bò để làm nguồn cung ứng thực phẩm trên địa bàn. Phát huy thành công của các mô hình thí điểm, hiện tỉnh Lào Cai đã nhân rộng nhiều mô hình tiêu thụ nông sản gắn với cung ứng vật tư nông nghiệp. Các mô hình liên kết cung ứng vật tư và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực là hoa tươi, rau xanh các loại, ớt, khoai tây, tỏi, các loại dược liệu... Điển hình là mô hình sản xuất Tỏi của hợp tác xã Mai Anh, triển khai tại Bát Xát, Bảo Thắng với năng suất bình quân 20 tấn/ha, giá trị canh tác đạt 250 triệu đồng/ha; mô hình sản xuất dược liệu của công ty cổ phần dược liệu Việt Nam triển khai tại Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà với giá trị canh tác 130 triệu đồng/ha; mô hình tiêu thụ hoa tươi, rau xanh các loại của hợp tác xã Hoa Đào (Sa Pa) đã thu mua ổn định mỗi năm sản lượng khoảng 10.000 tấn rau các loại và 50.000 bông hoa hồng, hoa ly, giá trị trung bình đạt 84 triệu đồng/ha, một số mô hình rau ứng dụng công nghệ cao của các hợp tác xã Song Kim (Bát Xát), Trọng Tín (Mường Khương) đạt 150 triệu đồng/ha... Trong các mô hình thí điểm này, Hợp tác xã có vai trò trung tâm cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản. Qua hợp đồng từ đầu vụ, nông hộ xác định rõ loại cây trồng, lượng vật tư nông nghiệp cần đầu tư, các biện pháp kỹ thuật, giá cả để chủ động và mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm và gom đủ nguồn hàng theo đúng thời hạn hợp đồng. Qua đó, doanh thu của hợp tác xã tăng lên thông qua hoạt động bao tiêu sản phẩm, doanh nghiệp mua được nông sản có chất lượng, người sản xuất có nguồn cung cấp nông sản ổn định. Điển hình như hợp tác xã nông nghiệp Mai Anh (Sa Pa) liên kết sản xuất rau an toàn với các hộ nông dân tại huyện Sa Pa và liên kết tiêu thụ với Công ty cổ phần GreenFarm Hà Nội; hợp tác xã Tiên Phong (Mường Vi - Bát Xát) liên kết sản xuất lúa Séng Cù với hộ nông dân xã Mường Vi và liên kết tiêu thụ với Công ty TNHH Gia Thành, Hà Nội... Sự ra đời của mô hình trên đã khắc phục nhiều khó khăn mà cả doanh nghiệp và nông dân Lào Cai đã gặp phải trong thời gian qua như thiếu chủ động trong cung ứng phân bón, giống cây trồng, chất lượng sản phẩm cũng như thị trường đầu ra sản phẩm... Thay vào đó, mô hình đã tạo thành một vòng tròn tiêu thụ sản phẩm và cung ứng vật tư để sản xuất nông nghiệp, kiểm soát được việc sản xuất an toàn phục vụ cho người tiêu dùng, góp phần tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nâng cao thu nhập cho người dân. Thực tế tại các mô hình thí điểm cho thấy, hiệu quả kinh tế từ việc tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cao hơn sản xuất nông sản thông thường từ 10-20% giá trị. Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ tiếp tục hoàn thành 18 mô hình chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản gắn với cung ứng vật tư nông nghiệp để nhân rộng, đưa sản lượng tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng đối với chè tươi đạt 100%, sản phẩm chuối, dứa, rau, hoa đạt trên 60%, các sản phẩm khác đạt trên 50%. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, để triển khai hiệu quả các mô hình này trong thời gian tới, Lào Cai kiến nghị Bộ Công Thương xem xét tăng cường xúc tiến thương mại cấp quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu hàng nông sản tại địa phương tiếp cận thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo các lực lượng kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán gia súc gia cầm và các mặt hàng thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ vào địa bàn tỉnh Lào Cai...
Hương Thu