Liên kết khai thác lợi thế, phát triển bền vững du lịch Hà Giang

Liên kết khai thác lợi thế, phát triển bền vững du lịch Hà Giang

Những năm gần đây, Hà Giang nổi lên là điểm đến mới với những nét đặc sắc về cảnh quan tự nhiên, bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc. Hơn 2 năm xảy ra dịch COVID-19, hoạt động du lịch cả nước bị đình trệ nhưng vẫn không ít du khách đến với Hà Giang. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Hà Giang tập trung phát triển theo hướng bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa, địa chất địa mạo nguyên sơ, tăng cường quảng bá, liên kết, hợp tác phát triển.

Phát triển du lịch theo hướng bền vững

Hà Giang được biết đến với các địa danh: Cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, hẻm vực Tu Sản, đèo Mã Pì Lèng, phố cổ Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, dinh thự Vua Mèo, những vườn hoa tam giác mạch… Đây cũng là vùng đất có gần 20 dân tộc anh em sinh sống, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng vô cùng độc đáo. Du khách đến đây có thể được hòa mình vào lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, lễ mừng nhà mới của dân tộc Lô Lô, lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, được hòa trong tiếng khèn Mông réo rắt, dập dìu...

Liên kết khai thác lợi thế, phát triển bền vững du lịch Hà Giang ảnh 1 Những thửa ruộng bậc thang như những thảm lụa vàng ở Hà Giang. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Những năm gần đây, lượng du khách đến với Hà Giang ngày càng tăng. Nếu trước đó, khách du lịch đến Hà Giang thường tập trung vào những dịp cuối tuần thì nay các sản phẩm du lịch mới được xây dựng theo hướng đa dạng hóa để thu hút du khách cả bốn mùa trong năm. Mùa xuân với các loại hoa, mùa hè là mùa nước đổ ruộng bậc thang, mùa thu thưởng ngoạn lúa chín, mùa đông hoa tam giác mạch nở. Cùng với đó, du khách kết hợp tham quan các thắng cảnh tự nhiên, văn hóa đồng bào dân tộc.

Với lợi thế về tài nguyên du lịch hiếm địa phương nào có được, tỉnh Hà Giang xác định tập trung phát triển du lịch theo hướng bền vững, trên cơ sở khai thác các giá trị địa hình, địa mạo, cảnh quan và văn hóa các dân tộc. Từ bài học phát triển "nóng" của một số địa phương, tỉnh Hà Giang lựa chọn những bước đi thận trọng, vừa phát triển, vừa bảo tồn, giữ được bản sắc vốn có.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết: Từ sự phát triển "nóng" của một số tỉnh khác, Hà Giang sẽ rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, có những giải pháp thiết thực, lắng nghe tiếng nói của du khách và doanh nghiệp để giữ được môi trường du lịch lành mạnh, an toàn, bền vững. Trong đó, tỉnh vừa tập trung đầu tư cho du lịch, vừa giữ được sự nguyên sơ của địa chất địa mạo và bản sắc văn hóa. Địa phương cũng tổ chức tốt các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách với mục tiêu thu hút khách đến đông hơn. Hiện nay, Hà Giang có giải pháp thực hiện trong từng giai đoạn cụ thể để vừa giữ môi trường du lịch, cảnh quan, bản sắc văn hóa để phát triển bền vững và lâu dài. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, tỉnh đang phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới trên cơ sở làm đến đâu chắc đến đó, đáp ứng nhu cầu của du khách, tránh làm ồ ạt để đảm bảo tính bền vững cao.

Liên kết khai thác lợi thế, phát triển bền vững du lịch Hà Giang ảnh 2Những vườn hoa tam giác mạch tại Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) là điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước . Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Tạo sự bền vững cho ngành du lịch, tỉnh Hà Giang quan tâm huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng. Toàn tỉnh có 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng như: Làng văn hóa thôn Khâu Vai gắn với Lễ hội chợ phong lưu Khâu Vai, Làng văn hóa thôn Sảng Pả A gắn với dệt thổ cẩm của người Lô Lô, Làng Nậm Lương gắn với bảo tồn ănv hóa dân tộc Bố Y...

Chị Vàng Thị Mai, chủ homestay Lolo Ancient House, Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn cho biết, gia đình làm homestay đã 6 năm ngay tại căn nhà gia đình chị đang sử dụng. Theo chị, khách du lịch rất thích ở những căn nhà mang kiến trúc truyền thống của đồng bào dân tộc, được sinh hoạt cùng gia chủ. Với 7 phòng cho thuê, homestay của chị luôn kín chỗ vào cuối tuần, thu nhập từ cho thuê phòng khiến kinh tế nhà chị dư dả hơn trước. Đồng bào dân tộc ở các nơi khác cũng tham gia làm du lịch, từ bán sản phẩm lưu niệm, OCOP, cho thuê các gùi hoa chụp ảnh...

Liên kết phát triển tối đa lợi thế

Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, xây dựng những tour, tuyến hấp dẫn, chất lượng và thu hút ngày càng nhiều hơn du khách đến với Hà Giang, những năm qua, địa phương luôn tích cực quảng bá, liên kết phát triển du lịch. Hà Giang nằm trong khối liên kết hợp tác của rất nhiều địa phương, đặc biệt là khối liên kết 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và 6 tỉnh Việt Bắc, hợp tác các tỉnh đồng bằng sông Hồng, nhất là với Hà Nội. Hà Giang tham gia nhiều sự kiện kích cầu thúc đẩy phát triển du lịch với vai trò là điểm đến mới, đặc biệt với những thị trường trọng điểm. Trong đó, phối hợp với thành phố Hà Nội tổ chức sự kiện "Không gian văn hóa, du lịch và thương mại tỉnh Hà Giang tại Hà Nội", sự kiện "Sắc màu Sơn La – Tây Bắc" tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, tổ chức xúc tiến quảng bá các chương trình du lịch Hà Giang tại Hà Nội, tổ chức đón các đoàn doanh nghiệp du lịch Hà Nội khảo sát tại Hà Giang... Bên cạnh đó, một số thị trường trọng điểm khác như Thành phố Hồ Chí Minh hay một số hãng lữ hành lớn cũng được tỉnh chú trọng liên kết, thu hút khách.

Mới đây, tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Công ty Du lịch Vietravel xây dựng tour du lịch "Tinh hoa cực Bắc – Sắc hồng Hà Giang" đưa khách tham quan các danh thắng đặc sắc của Hà Giang và thưởng lãm mùa hoa tam giác mạch đang nở rộ. Khách được trải nghiệm du lịch dốc Thẩm Mã, cột cờ Lũng Cú, làng du lịch cộng đồng Lô Lô Chải, đèo Mã Pì Lèng, sông Nho Quế, tham quan các vườn hoa tam giác mạch... Đây là một trong số rất nhiều tour du lịch tỉnh Hà Giang phối hợp với Công ty Du lịch Vietravel khai thác phục vụ khách.

Liên kết khai thác lợi thế, phát triển bền vững du lịch Hà Giang ảnh 3Du khách của Công ty Du lịch VIetravel thăm làng văn hóa du lịch cộng đồng Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn trong chương trình hợp tác phát triển du lịch Hà Giang. Ảnh: Đinh Thuận – TTXVN

Bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó Giám đốc Ban Sản phẩm – Dịch vụ, Công ty Du lịch Vietravel cho biết: Vietravel nhận thấy Hà Giang có tiềm năng phát triển du lịch rất mạnh mẽ, còn giữ được nguyên vẹn cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đồng bào dân tộc, lãnh đạo tỉnh lại quan tâm phát triển du lịch nên đã đồng hành cùng Hà Giang. Ngoài hợp tác xúc tiến quảng bá theo chương trình ký kết với tỉnh Hà Giang, Vietravel còn có những dự án đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch. Hiện đơn vị đang trong quá trình khảo sát, tìm thêm điểm đến để có thể kết hợp cùng tỉnh Hà Giang tạo ra những sản phẩm du lịch mới phục vụ khách. Công ty cũng đã tổ chức những chuyến bay charter (bay nguyên chuyến) đưa khách đến với Hà Giang.

Trong chương trình liên kết với các địa phương, các tổ chức du lịch, các hãng lữ hành, Hà Giang xây dựng nhiều chương trình cụ thể như đón các đoàn lên khảo sát, phối hợp xây dựng sản phẩm mới, đầu tư hạ tầng du lịch, phối hợp quảng bá hình ảnh du lịch... Hà Giang cũng mong muốn nhận được những chia sẻ, đề xuất để phát triển du lịch bền vững, thân thiện và mang bản sắc riêng. Ông Đặng Quốc Sử - Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Hà Giang cho biết, trong chương trình hợp tác, liên kết, với tinh thần kích cầu thúc đẩy phát triển du lịch, tỉnh Hà Giang cũng như ngành du lịch tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị cung cấp dịch vụ tạo điều kiện tốt nhất, với giá cả ưu đãi để các doanh nghiệp lữ hành có nhiều điều kiện khai thác thị trường du lịch tại địa phương. Mục tiêu của tỉnh để ngày càng có nhiều hơn du khách đến Hà Giang, ở lại lâu hơn và có ấn tượng tốt về du lịch Hà Giang.

Đinh Thuận

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm