Nghề nuôi và chế biến thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Sóc Trăng. Sản phẩm tôm cũng là mặt hàng xuất khẩu đem lại ngoại tệ nhiều nhất cho tỉnh với kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong năm 2021. Tuy nhiên, mặt hàng này luôn chịu nhiều áp lực bởi sự cạnh tranh quyết liệt từ nhiều nước trên thế giới. Cũng chính vì vậy mà liên kết chuỗi trong nuôi và chế biến tôm được xem là yếu tố then chốt để ngành tôm có được sự đảm bảo phát triển đồng bộ từ khâu nuôi, chế biến cho đến xuất khẩu.
Thời gian gần đây, việc tăng cường kết nối giữa người nuôi tôm và doanh nghiệp thu mua, chế biến được ngành nông nghiệp Sóc Trăng xem đây là nhiệm vụ quan trọng và rất chú trọng. Tuy vậy, việc thúc đẩy mạnh hơn chuỗi liên kết này cần sự cộng hưởng của nhiều yếu tố để ngành tôm Sóc Trăng phát triển bền vững.
Từ nhiều năm nay, Hợp tác xã Nông ngư 14/10 ở ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) là một trong những mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Tất cả bắt nguồn từ sự thay đổi nhận thức của các thành viên. Từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là nuôi tôm ao đất, nhiều hộ nuôi tôm trong vùng đã mạnh dạn liên kết cùng nhau trong việc đồng nhất quy trình thả nuôi tôm theo hình thức lót bạt đáy, nuôi tôm theo chuẩn VietGAP, ASC...
Từ khi thay đổi quy trình canh tác, sản lượng tôm của hợp tác xã tăng lên gấp 10 lần so với năm 2012, tính riêng trong năm 2021, sản lượng tôm của hợp tác xã đạt hơn 160 tấn. Không chỉ có sự tăng trưởng vượt trội về sản lượng, lượng tôm thu hoạch tại hợp tác xã cũng được doanh nghiệp liên kết thu mua với mức giá cao hơn so với thị trường.
Theo ông Ngô Công Luận, Giám đốc Hợp tác xã Nông ngư 14/10, khi các hộ cùng nhau tham gia vào hợp tác xã thì sản lượng tôm sẽ nhiều hơn và khi thực hiện ký kết thu mua cũng rất dễ. Bên cạnh đó, khi liên kết cùng nhau nuôi tôm sạch thì con tôm của hợp tác xã sẽ có cơ hội xuất khẩu tốt hơn. Hiện tại, sản lượng tôm tại hợp tác xã đều được Công ty Tài Kim Anh tại Sóc Trăng thu mua, với tôm sạch, nuôi đúng quy trình sẽ được công ty thu mua với giá tăng thêm vài nghìn đồng/kg.
Là một trong những tỉnh có diện tích tôm nước lợ lớn nhất cả nước, tuy nhiên, đa số hộ nuôi tôm ở Sóc Trăng vẫn sản xuất với quy mô nhỏ lẻ. Trong những năm qua, nghề nuôi tôm cũng gặp không ít những khó khăn từ vấn đề dịch bệnh, môi trường, giá thành sản xuất cao; giá cả đầu ra lên xuống thất thường. Đặc biệt, yếu tố đầu vào là một trong những áp lực lớn đối với người nuôi do hiện nay vẫn còn sản phẩm không kiểm soát được chất lượng, giá cả, việc sản xuất xuất nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư dẫn đến tình trạng người nuôi phải lệ thuộc đại lý cung ứng vật tư.
Trước thực tế đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã tích cực phối hợp với Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cũng như các đơn vị chuyên môn khác kết nối thành công giữa các Hợp tác xã hoặc Tổ hợp tác với các nhà cung ứng vật tư đầu vào cũng như đầu ra. Đến nay, tỉnh đã có 7 Hợp tác xã/Tổ hợp tác với diện tích trên 320 ha được liên kết với các nhà cung ứng đầu vào trên các sản phẩm bao gồm: thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học, con giống.
Quá trình sản xuất được “khơi thông”, người nuôi tôm mạnh dạn tiếp cận với các mô hình nuôi tôm cải tiến, nuôi tôm công nghệ cao, để chất lượng nguồn tôm thương phẩm được đánh giá ở mức tốt nhất. Ngoài 31 cơ sở nuôi tôm đã được cấp chứng nhận thực hành sản xuất sạch VietGAP, nhiều cơ sở khác cũng đã tiếp cận các tiêu chuẩn nuôi theo chuẩn Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC), GlobalGAP,… Nhờ vậy, doanh nghiệp cũng có được nguồn nguyên liệu đầu vào đáng tin cậy phục vụ tốt cho nhu cầu chế biến, giữ vững uy tín đối với đối tác lớn cả trong và ngoài nước.
Tiến sĩ Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex) chia sẻ: “Vấn đề nuôi tôm hiện nay đã có những sự chuyển biến về chất, nhiều diện tích đã được chuyển sang nuôi theo hình thức công nghệ cao góp phần tăng sản lượng cũng như chất lượng các sản phẩm; từ đó tạo ra được những sản phẩm chế biến có chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên cả các thị trường khó tính. Có thể nói, người nuôi và nhà sản xuất được xem là 2 mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi giá trị con tôm. Nếu 2 mắt xích quan trọng này có sự phối hợp ăn ý với nhau thì sẽ tạo ra một hiệu quả tốt. Sự liên kết này rất quan trọng trong việc nâng tầm giá trị của con tôm. Khi có sự phối hợp tốt với nhau thì thông tin về nhu cầu của thị trường, về mùa vụ, về kích cỡ và thậm chí là giá cả sẽ được người nuôi nắm đầy đủ, cụ thể; từ đó họ sẽ tổ chức thả nuôi đáp ứng đúng những yêu cầu chế biến mà doanh nghiệp cần, lợi ích cho cả người nuôi và doanh nghiệp".
Sản lượng tôm hàng năm tại tỉnh Sóc Trăng hiện đã vượt trên 180 nghìn tấn, con số này đáp ứng từ 90 đến 100% nhu cầu tôm nguyên liệu phục vụ nhu cầu chế biến, xuất khẩu của các nhà máy thu mua, chế biến tôm trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, để có sự liên kết chặt chẽ giữa người nuôi và doanh nghiệp nhằm thống nhất sản lượng nguồn tôm nguyên liệu theo từng thởi điểm khác nhau, rất cần có một tổ chức trung gian là Hợp tác xã/Tổ hợp tác chứ không phải là một vài hộ nuôi với những diện tích nhỏ lẻ.
Cũng từ yêu cầu này, mô hình kinh tế tập thể trong lĩnh vực nuôi tôm nước lợ bắt đầu được chú trọng hơn. Đến nay, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng đã hình thành được chuỗi liên kết giữa nhà máy thu mua, chế biến tôm nguyên liệu với 13 Hợp tác xã/Tổ hợp tác với diện tích gần 520 ha. Ngoài ra, đã thúc đẩy ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các công ty thu mua tại tỉnh với giá cao hơn so với thị trường đối với 4 Hợp tác nuôi tôm theo chuẩn ASC với diện tích gần 200 ha.
Có thể thấy, liên kết chuỗi từ đầu vào đến đầu ra là xu hướng tất yếu để phát triển ngành tôm Sóc Trăng tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Tuy vậy, giải pháp quan trọng để duy trì và phát huy tốt chuỗi liên kết ngành hàng đối với con tôm nước lợ rất cần sự phối hợp hài hòa giữa cả người nuôi và doanh nghiệp trên tinh thần cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro nếu có.
Theo bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng, Chi cục Thuỷ sản tỉnh Sóc Trăng, đối với người nuôi, phải thật sự quyết tâm tham gia các Hợp tác xã/Tổ hợp tác, phải xây dựng kế hoạch sản xuất bài bản, cụ thể, sao cho thực sự có sự liên kết, kết nối giữa các thành viên về mặt khoa học kỹ thuật để tạo ra được khối lượng hàng hoá vừa lớn, vừa chất lượng phục vụ việc thu mua, chế biến của các nhà máy. Riêng các nhà máy chế biến, ngoài chủ động xây dựng vùng nguyên liệu của chính công ty, cũng nên tăng cường các hợp đồng liên kết với các trang trại, các Hợp tác xã/Tổ hợp tác để vừa tạo được một sự phát triển hài hoà, nhịp nhàng từ khâu nuôi đến chế biến, vừa xây dựng được thương hiệu con tôm Sóc Trăng từ nguồn nguyên liệu đảm bảo tốt các điều kiện xuất khẩu.
Đi từ nhỏ lẻ, lên liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến, nâng cao chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã/tổ hợp tác để từng bước hình thành liên kết vùng… tất cả là những giải pháp quan trọng đã và đang được ngành nông nghiệp Sóc Trăng hướng đến nhằm giúp ngành tôm của tỉnh giữ vững vị trí tốp đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu.
Trung Hiếu