Xã Phú An, huyện Cai Lậy nằm trong vùng ngập lũ phía tây tỉnh Tiền Giang. Tại đây, ngoài việc thiên tai đe dọa ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống thì mạng lưới giao thông chưa hoàn thiện cũng là một trong những thách thức hạn chế việc phát triển kinh tế, văn hóa, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự đi lại an toàn của nhân dân và con em trong những ngày mưa dầm, nước nổi. Khó khăn nhất có lẽ là ấp 5, xã Phú An, nơi có tuyến đường chạy ven rạch Bà Mụ dài khoảng 1.200 m. Con đường này đã có từ rất lâu nhưng chỉ là con đường mòn, trơn trợt và lầy lội vào mùa mưa lũ, việc đi lại rất khó khăn.
Ông Lê Văn Tám (trái) cùng nhân dân làm nền hạ đường Bà Mụ. Ảnh: TTXVN |
Chứng kiến thực trạng trên, ông Lê Văn Tám - một nông dân địa phương đã đứng ra vận động nhân dân, các "mạnh thường quân" đóng góp kinh phí hàng trăm triệu đồng để mở rộng, nâng cấp con đường từ bề mặt chỉ rộng từ 1 đến 1,5m lên 2,5m, đạt chuẩn nông thôn mới và tráng bê tông phẳng phiu. Bản thân ông Tám và gia đình, thân tộc đóng góp tổng cộng khoảng 20 triệu đồng.
Cùng với tích cực quyên góp tiền để đủ kinh phí làm đường, ông Lê Văn Tám còn tiên phong vận động các hộ dân hai bên đường hiến đất để thi công mở rộng và nâng cấp tuyến đường ven kênh Bà Mụ đúng tiến độ dự kiến. Đây là việc làm thiết thực hưởng ứng chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xây dựng nông thôn mới nên được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đồng tình ủng hộ. Cụ thể, 100% hộ dân sinh sống dọc theo hai bên tuyến đường đi qua đều đóng góp quỹ đất để mở rộng đường. Người nhiều, kẻ ít, tính ra có tới 15 hộ dân hiến đất làm đường. Nổi bật là hộ ông Sáu Màu hiến 70 m2 đất; hộ bà Tám Kim hiến bờ dừa đang cho trái thu hoạch bán mỗi tháng từ 400.000 đồng đến 500.000 đồng; hộ bà Sáu Bê hiến gần 100 m2 đất…Hiện nay, con đường đang được khẩn trương thi công, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng dịp Tết Nguyên đán 2018.
Trong đời sống, ông Lê Văn Tám cũng là một tấm gương nông dân vượt khó làm ăn, ổn định cuộc sống. Gia đình ông có 1,5 ha đất vườn chuyên canh trồng chôm chôm với các giống chủ lực: chôm chôm Java, chôm chôm nhãn và chôm chôm Thái. Nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh, trung bình mỗi năm ông đạt sản lượng thu hoạch từ 25 đến 30 tấn quả, trừ chi phí còn lãi ròng trên 100 triệu đồng.
Nói về công tác xã hội và phát triển sản xuất, ông Lê Văn Tám cho biết, nông dân phải biết phát huy tiềm năng đất đai, lao động chuyển đổi sản xuất theo hướng tạo nguồn nông sản hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường, ổn định đời sống. Bên cạnh đó, tích cực hưởng ứng chủ trương “chung sức xây dựng nông thôn mới”, đây là nghĩa vụ đồng thời là quyền lợi của mọi tầng lớp nhân dân.
Ông Đinh Văn Tấn, Bí thư Đảng ủy xã Phú An đánh giá cao tấm lòng và việc làm của ông Lê Văn Tám, một nông dân tâm huyết với công tác xã hội và vì cộng đồng tại địa phương. Ông Tấn cho biết, ông Lê Văn Tám chính là hạt nhân trong phong trào “chung sức xây dựng nông thôn mới” cũng như hưởng ứng học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở xã vùng ngập lũ Phú An, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Minh Trí
(TTXVN)