74 tuổi đời nhưng lão ngư Nguyễn Huýnh ở xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã có đến hơn 50 năm biết và say mê trò Kiều. Quanh năm bám biển với tay lưới, tay chèo nhưng đam mê mãnh liệt với những câu hát Kiều chưa bao giờ tắt, ông Huýnh làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ trò Kiều xã Xuân Liên với mong mỏi, tiếng trống trò Kiều sẽ không bao giờ tắt nơi vùng biển ngang huyện Nghi Xuân.
Các cụ cao niên, am hiểu trò Kiều ở vùng Nghi Xuân cho biết: Sau khi có Truyện Kiều, nửa thế kỷ sau, các loại hình văn nghệ dân gian dựa trên Truyện Kiều bắt đầu xuất hiện. Khoảng cuối thế kỷ XIX, ở vùng Bắc Nghệ An, Truyện Kiều được chuyển thể sang trò Kiều - sự kết hợp giữa hát tuồng và hát chèo Kiều kết hợp với diễn xuất, làm trò và các làn điệu khác như: dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, ca Huế, ca Trù…
Trò Kiều về quê hương tác giả Truyện Kiều vào khoảng những năm 1920, tức 100 năm sau khi cụ Nguyễn Du qua đời, do cư dân vùng Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu (Nghệ An) vào làm ăn rồi lập phường hát. Hát trò nghĩa là có hát, có diễn và có làm trò vui. Kịch bản của một vở trò Kiều được xây dựng dựa trên cốt Truyện Kiều và hầu như không thay đổi.
Trò Kiều phát triển mạnh mẽ nhất ở Nghi Xuân có lẽ là vào khoảng những năm 1957, toàn huyện Nghi Xuân có 6 xã có đội hát diễn trò Kim Vân Kiều: Tiên Điền, Xuân Thành, Cổ Đạm, Xuân Lĩnh, Xuân Liên. Trải qua hai cuộc chiến tranh, phong trào hát trò Kiều rời rạc rồi tan rã dần. Đến nay, Tiên Điền và Xuân Liên là hai địa phương có đội diễn trò Kiều còn tồn tại và đang được phát triển.
Sinh ra nơi làng chài Cam Lâm (xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), lại ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo của người cha nên từ nhỏ ông Nguyễn Huýnh đã biết đọc Truyện Kiều. Hai mươi hai tuổi, nhân dịp đầu xuân, ông Huýnh được giao đóng vai Kim Trọng trong một phân đoạn trò Kiều. Kể từ đó, ông mê say loại hình nghệ thuật này lúc nào không hay.
Nhớ lại thời trai trẻ tham gia trong đội trò Kiều, ông Nguyễn Huýnh kể: “Những năm trước 1960 đội trò Kiều xã Xuân Liên từng đi biểu diễn khắp nơi trong huyện Nghi Xuân. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đội trò Kiều được mời đi diễn nhiều nơi phục vụ các đơn vị chiến đấu và được tặng cờ xuất sắc về phong trào “Tiếng hát át tiếng bom’’.
Bà Lê Thị Hạc, 73 tuổi, vợ ông Huýnh chia sẻ: “Ngày đó, tôi mê và cưới ông cũng chỉ vì mê vai diễn Kim Trọng của ông trong những lần ông đi diễn trò Kiều. Cưới nhau không được bao lâu thì ông lên đường nhập ngũ, lúc đó trong vali chỉ có vỏn vẹn một bộ quần áo và một cuốn Truyện Kiều chép tay mà ông còn giữ đến tận bây giờ”.
Hòa bình lập lại, phong trào hát trò Kiều ở xã Xuân Liên cũng dần tan rã, những “nghệ nhân nông dân” tất bật cho mưu sinh. Chứng kiến trò Kiều dần mai một trên quê hương, đặc biệt là khi các cụ cao niên am hiểu về trò Kiều đã qua đời, ông Nguyễn Huýnh trăn trở, phải khôi phục lại trò Kiều, đưa trò Kiều trở lại với đời sống người dân làng biển. Năm 1984, trò Kiều chính thức được khôi phục lại ở xã Xuân Liên.
Ông Huýnh chia sẻ: “Khó khăn nhất trong việc khôi phục và gìn giữ trò Kiều lúc đó là tìm kiếm người vừa “có thanh, có sắc” lại đam mê trò Kiều để tham gia vào đội hát. Thời đó, chỉ có đàn ông mới tham gia biểu diễn trò Kiều, phụ nữ vì lo lắng những uẩn khúc, ai oán của nhân vật có thể “vận” vào người nhập vai nên hầu như không tham gia diễn. Tuy nhiên, bằng tâm huyết, đam mê nghệ thuật trong sáng của các cụ: Mai Ngận, Hồ Kim Sơn, Phan Sáu, Phan Trưởng… đã “hóa giải” định kiến ấy. Sau này, sự nhiệt tình tham gia của các diễn viên nữ như: Trần Thị Vinh, Nguyễn Thị Hai, Ngô Thị Minh đã đem lại luồng sinh khí mới cho các buổi diễn trò Kiều”.
Để lan tỏa trò Kiều, ông Nguyễn Huýnh vận động con cái của những người đã biểu diễn trò Kiều trước đây và con cháu, anh em mình cùng tham gia vào đội trò Kiều. Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Huýnh bà Hạc trở thành sân khấu để đội trò Kiều tập luyện và lưu giữ trang phục, đạo cụ. Ông Huýnh là người trực tiếp viết kịch bản cho các vở diễn và đảm nhận những vai khó như vai Kim Trọng, Từ Hải, vai Lão…
Ba gian nhà cấp bốn đơn sơ của vợ chồng ông Huýnh, có đến hai gian ông dành để treo các trang phục, đạo cụ để biểu diễn trò Kiều. Ông Huýnh cho biết, do điều kiện của đội trò Kiều còn khó khăn, hầu hết đạo cụ của đội đều do các thành viên và ông Nguyễn Huýnh tự mày mò, chế tác.
Đến nay, Câu lạc bộ trò Kiều xã Xuân Liên có 16 thành viên, gồm 8 nam, 8 nữ do ông Nguyễn Huýnh làm chủ nhiệm. Tuy nhiên, khi cần có thể mời thêm vài chục người tham gia các trích đoạn cần nhiều diễn viên do ở làng Cam Lâm bất kỳ ai cũng có thể thuộc và hát được dăm bảy câu Kiều. Trò Kiều dần trở nên phổ biến nên ở bất cứ cuộc vui nào, người làng Cam Lâm cũng tổ chức ngâm Kiều, lẩy Kiều. Tại các cuộc thi văn nghệ giữa các thôn, xóm, dòng họ có không ít cặp diễn viên là cha con, vợ chồng, anh chị em cùng lên sân khấu để thi tài với đội bạn.
Ghi nhận những nỗ lực, đam mê, cống hiến để bảo tồn, gìn giữ trò Kiều của ông Nguyễn Huýnh, năm 2012, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Đây là nguồn động viên to lớn để nghệ nhân Nguyễn Huýnh tiếp tục “giữ lửa” trò Kiều.
Ông Huýnh chia sẻ: “Giờ tôi tuổi cũng đã cao, sức không còn khỏe, tôi chỉ mong muốn, chính quyền huyện Nghi Xuân tạo điều kiện để trò Kiều được truyền dạy trong các nhà trường. Mong mỏi các thế hệ sau này sẽ giữ gìn và phát triển hơn nữa loại hình nghệ thuật đặc sắc đậm tính dân gian này”.
Chủ tịch UBND xã Xuân Liên Mai Anh Lý cho biết: “Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Câu lạc bộ trò Kiều xã Xuân Liên do ông Nguyễn Huýnh làm chủ nhiệm đã tập luyện, hoạt động sôi nổi, góp phần bảo tồn và gìn giữ bộ môn nghệ thuật đậm tính dân gian này. Đặc biệt, tại dịp kỷ niệm 255 năm Ngày sinh, tưởng niệm 200 năm Ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du, các tiết mục của câu lạc bộ trò Kiều được đông đảo công chúng trong và huyện đón nhận. Địa phương sẽ luôn tiếp tục đồng hành, ủng hộ để hoạt động của Câu lạc bộ trò Kiều tiếp tục được lan tỏa”.
Hoàng Ngà