Ngày 26/9, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi toạ đàm "Duyên nghiệp Thúy Kiều" nhằm tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du (1820 - 2020), qua đó khẳng định công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp đặc biệt xuất sắc của Nguyễn Du đối với văn hóa Việt Nam.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Trần Đình Sơn, trải qua bao biến động lịch sử, nhân cách và sự nghiệp lớn lao của đại thi hào Nguyễn Du vẫn luôn sáng mãi trong lòng hậu thế và đời sống văn hóa tinh thần dân tộc.
“Cái tâm” và “cái tài” của vị danh nhân văn hoá này, đặc biệt là tác phẩm Truyện Kiều đã in sâu vào tâm thức người Việt như một áng văn chương giàu tính nhân bản, nuôi dưỡng những nỗi niềm nhân thế, góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi quốc gia, trở thành một phần tinh hoa của văn hoá nhân loại.
Đồng quan điểm, Phó Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ Thượng toạ Thích Tâm Hải cho rằng, Đại thi hào Nguyễn Du đã đứng ở vị thế giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, sự sống và cái chết, biến và bất biến để nói với người đương thời trên cơ sở của tình yêu thương vô hạn và tư tưởng tự do, bình đẳng.
Đó là tư tưởng lớn nhất của người nghệ sĩ, của một thiên tài, chứ không phải Nho, Phật, Lão, bình dân hay quý tộc một cách máy móc. Vượt qua bao thăng trầm lịch sử, tác phẩm của ông luôn thể hiện chủ nghĩa nhân đạo một cách hoàn chỉnh và sâu sắc trong văn học Việt Nam, khẳng định giá trị to lớn, trở thành biểu tượng văn hóa sáng ngời của dân tộc.
Nhân dịp này, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Trần Đình Sơn cũng đã giới thiệu tại toạ đàm nhiều ấn bản Truyện Kiều quý trong và ngoài nước trong bộ sưu tập của mình. Ông Trần Đình Sơn cho rằng, việc sưu tầm các hiện vật, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du, các danh nhân dòng họ Nguyễn Tiên Điền, tạo cơ sở khoa học cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, mở rộng giao lưu văn hóa, quảng bá các giá trị văn hóa Việt với bạn bè quốc tế, giúp cho mọi người thêm hiểu biết, tự hào, tôn vinh lịch sử văn hóa dân tộc.
Nguyễn Du (sinh năm 1765), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Bố là Nguyễn Nghiễm, làm quan đến Tể tướng. Mẹ là bà Trần Thị Tần, vợ ba của Nguyễn Nghiễm, người Tiên Sơn, Bắc Ninh. Năm 1820, khi Minh Mệnh lên ngôi, Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc lần nữa để cầu phong, nhưng ông chưa kịp đi thì đã mất tại Huế, hưởng thọ 56 tuổi.
Thu Hương