Độc đáo lễ hội đánh cá Đồng Hoa

Niềm vui của người dân khi bắt được nhiều cá bởi theo quan niệm, ai bắt được nhiều cá và cá to thì sẽ làm ăn may mắn trong suốt cả năm. Ảnh: Hoàng Ngà – TTXVN
Niềm vui của người dân khi bắt được nhiều cá bởi theo quan niệm, ai bắt được nhiều cá và cá to thì sẽ làm ăn may mắn trong suốt cả năm. Ảnh: Hoàng Ngà – TTXVN

Đến hẹn lại lên, sáng 14/6, tại khu vực đầm Vực (thôn Nam Viên, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) diễn ra lễ hội đánh bắt cá Đồng Hoa. Đây là 1 trong 3 lễ hội đánh cá truyền thống ở Việt Nam còn lưu giữ được đến ngày nay. Lễ hội thu hút sự tham gia của hàng nghìn người dân trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh.

Độc đáo lễ hội đánh cá Đồng Hoa ảnh 1Đầm Vực, nơi diễn ra là hội đánh cá Đồng hoa rộng hơn 30ha nằm ven chân núi Hồng Lĩnh. Ảnh: Hoàng Ngà – TTXVN

Đầm Vực, nơi diễn ra là hội rộng hơn 30ha, nằm ven chân núi Hồng Lĩnh, là một nơi có cảnh sắc “phong thủy hữu tình”, tâp trung nhiều loại cá nước ngọt. Theo các cụ cao niên, hội đánh cá Đồng Hoa có từ gần 300 năm nay, là một trong những lễ hội truyền thống độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của người dân địa phương. Lễ hội được tổ chức đều đặn hàng năm với tinh thần khuyến nông, khuyến ngư, đồng thời giúp thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng cư dân làng xã.

Độc đáo lễ hội đánh cá Đồng Hoa ảnh 2Sau khi có khẩu lệnh của người đứng đầu xã, hàng trăm người dân với các ngư cụ như: nơm, vó, lưới, nhủi... ào xuống đầm bắt cá. Ảnh: Hoàng Ngà – TTXVN

Ông Trần Thanh Hóa, 62 tuổi, người dân xã Xuân Viên chia sẻ: Năm nào cũng vậy, khi nông dân vừa xong xuôi mùa màng cũng là lúc chuẩn bị ngư cụ để tham gia lễ hội đánh cá. Tham gia lễ hội này từ lúc còn nhỏ, đến nay đã ngoài 60 tuổi nhưng tâm trạng háo hức mong chờ đến ngày hội thì hầu như vẫn không thay đổi- ông Trần Thanh Hóa cho biết.

Độc đáo lễ hội đánh cá Đồng Hoa ảnh 3Lễ hội đánh cá Đồng Hoa thu hút sự tham gia của người dân. Ảnh: Hoàng Ngà – TTXVN

Từ tinh mơ, người dân khắp nơi nô nức mang theo các loại ngư cụ như: nơm, vó, lưới, lủi, vợt, rớ… kéo về khu vực Đầm Vực. Đúng 6 giờ 30 phút sáng, sau nghi thức phần lễ, người đứng đầu xã hú to một tiếng và cầm nơm lội xuống úp cá đầu tiên thì hàng trăm người cùng với các loại ngư cụ chạy ào xuống đầm. Trên bờ, hàng nghìn người thích thú dõi theo, hò reo cổ vũ.

Không chỉ các cụ cao niên, thanh niên trai tráng mà còn có cả phụ nữ, trẻ em đều thích thú lội xuống đầm với cuộc đua bắt cá. Theo quy định, những người dùng nơm, vó sẽ được ưu tiên xuống bắt cá trước rồi mới đến lượt người dùng lưới, vó xuống sau.

Độc đáo lễ hội đánh cá Đồng Hoa ảnh 4Niềm vui của người dân khi bắt được nhiều cá bởi theo quan niệm, ai bắt được nhiều cá và cá to thì sẽ làm ăn may mắn trong suốt cả năm. Ảnh: Hoàng Ngà – TTXVN

Ông Nguyễn Văn Nhượng, 57 tuổi, người dân xã Xuân Thành (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết theo quan niệm, ai bắt được cá to người đó sẽ gặp may mắn, mùa màng bội thu, buôn may bán đắt trong cả năm. Mỗi khi có người hú lên khi bắt được cá to thì tất cả mọi người xung quanh đều ùa tới chia vui, tạo nên một không khí vui vẻ. Mọi mệt nhọc của một năm lo toan vất vả dường như cũng tan biến.

Những năm gần đây, lễ hội đánh cá Đồng Hoa được người dân trong và ngoài huyện Nghi Xuân biết đến, có nhiều người từ thành phố Vinh và các huyện ở tỉnh Nghệ An cũng kéo sang trải nghiệm. Sau ngày hội, đội bảo vệ đầm của xã Xuân Viên sẽ tổ chức canh gác nghiêm ngặt, cấm đánh bắt, rà, lưới trên đầm để chuẩn bị cho ngày hội năm sau.

Độc đáo lễ hội đánh cá Đồng Hoa ảnh 5 Khi một người bắt được con cá to thì hú lên để những người xung quanh hò reo chúc mừng, cổ vũ. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Anh Lê Mai Đức, người dân ở huyện Lộc Hà cho biết đây là năm đầu tiên anh tham gia lễ hội với cảm giác rất phấn khích và thích thú. Chắc chắn những năm sau sẽ tranh thủ thời gian để đến trải nghiệm hoạt động tuyệt vời này, anh chia sẻ.

Theo lãnh đạo huyện Nghi Xuân, trải qua thời gian, mặc dù không còn vẹn nguyên như xưa nhưng chính quyền địa phương và người dân vẫn luôn ý thức giữ gìn, duy trì, bảo tồn những nét đẹp căn bản của lễ hội đánh cá Đồng Hoa và thường chọn tổ chức vào ngày Chủ nhật khi công việc mùa màng đã cơ bản thu hoạch xong để con em xa quê được về tham gia đông đủ.

Hoàng Ngà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm