Nông dân xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai chăm sóc vườn bầu để cho thu hoạch đúng dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN |
Điều chỉnh cơ chế phù hợp với thực tế Giai đoạn 2016-2020, Lào Cai đã triển khai hai Nghị quyết quan trọng trong khuyến khích phát triển nông nghiệp. Đó là Nghị quyết số 70/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai về hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng cho các dự án đầu tư phát triển sản xuất chế biên sản phẩm nông nghiệp đối với các huyện nghèo và huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai và Nghị Quyết số 85/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của HĐND tỉnh Lào Cai về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn giai đoạn 2017-2020. Các chính sách này đã được triển khai khá tích cực việc thực hiện hỗ trợ sau đầu tư và lãi suất vay vốn để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất đã nâng cao trách nhiệm và hiệu quả sử dụng vốn hỗ trợ. Đồng thời, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ vào việc hỗ trợ cho không của nhà nước, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Bên cạnh đó, khuyến khích các hộ mạnh dạn đầu tư và phát triển chè chất lượng cao, chăn nuôi, trồng rừng sản xuất, nuôi cá lồng trên sông hồ chứa.... Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 6%/năm, giá trị sản phẩm đạt 62,6 triệu đồng/ha/năm, dự kiến năm 2018 đạt 69 triệu, thu nhập bình quân/năm của người dân nông thôn đạt 18,32 triệu đồng năm 2017, năm 2018 đạt 22 triệu đồng/năm. Tuy nhiên tại Tờ trình số 247 của UBND tỉnh Lào Cai về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, ông Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nêu rõ, quá trình thực hiện các Nghị quyết trên cho thấy bên cạnh khó khăn hạn chế do yêu tố thiên tai, thời tiết, tập quán sản xuất thị trường, một số nội dung quy định trong Nghị quyết chưa hợp lý, khó thực hiện và còn bộc lộ một số bất cập. Cụ thể, mới chỉ có các hộ được tiếp cận một số nội dung hỗ trợ (chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng chè chất lượng cao, nuôi cá lồng, trồng rừng), trong khi các doanh nghiệp hợp tác xã, tổ hợp tác về cơ bản chưa tiếp cận được với chính sách khuyến khích đầu tư, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và nhiều nội dung chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa khác không có tác động trong thực tiễn. Một số quy định về điều kiện hướng hỗ trợ chưa phù hợp với thực tế, nhất là về quy mô sản xuất thủ tục hồ sơ nhận hỗ trợ còn phức tạp, nhiều đầu mối và mất thời gian trong thực hiện. Việc hỗ trợ lãi suất vốn vay còn rất hạn chế. Lào Cai mới có 2 dự án được hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng chính sách ở phạm vi hẹp, chỉ áp dụng đối với huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao. Các cá nhân tổ chức có nhu cầu đầu tư sản xuất mang tính chất hàng hóa, theo hướng liên kết gắn tiêu thụ sản phẩm ở các địa bàn khác trên địa bàn toàn tỉnh thì không được thụ hưởng chính sách này. Do vậy, cần có một chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay chung, để tất cả các đối tượng đều có cơ hội tiếp cận nguồn vốn với chi phí lãi suất thấp. Cũng theo ông Nguyễn Hữu Thể, dù có nhiều chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nhưng chỉ có chính sách về hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng là chính sách nhận được sự phản hồi tích cực từ nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đã có tác động tích cực đến công tác bảo vệ và phát triển rừng trên toàn tỉnh, chất lượng rừng đã ngày được nâng cao, ý thức người dân về bảo vệ rừng, trồng rừng được cải thiện. Đối với các chính sách khác, người sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa tiếp cận để được thụ hưởng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các chính sách này không phát huy được tại các Lào Cai, do chính sách Trung ương quy định trên phạm vi toàn quốc, quy định về điều kiện, quy mô,... rất lớn không phù hợp với điều kiện sản xuất nhỏ, khó khăn của Lào Cai.Xây dựng chính sách hỗ trợ người dân Trước thực trạng trên, tại Kỳ họp thứ 8, Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai khóa XV mới đây đã thông qua Nghị quyết Ban hành quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai bằng nguồn ngân sách tỉnh tối thiểu 60 tỷ đồng/năm. Cùng với đó, là nguồn ngân sách các huyện, thành phố; nguồn vốn kế hoạch trung hạn; nguồn vốn trung ương hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia... Ở nghị quyết mới, Lào Cai bãi bỏ 10 nội dung hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại Nghị quyết số 85 do không còn phù hợp và trùng lặp với quy định của Trung ương. Lào Cai bỏ hỗ trợ phát triển sản xuất giống lúa, hỗ trợ tiêu hủy gia súc gia cầm mắc bệnh lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm, hỗ trợ đào tạo dẫn tinh viên, cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo... Thay vào đó, thời gian tới, Lào Cai tập trung hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp với 7 nội dung. Đó là, hỗ trợ lãi suất vốn vay, hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đạt chứng nhận cấp tỉnh; hỗ trợ xây dựng cơ sở sơ chế, bảo quản nông sản; hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm quảng bá sản phẩm; hỗ trợ cơ sở sản xuất cây giống nông nghiệp; hỗ trợ cơ sở an toàn dịch bệnh động vật... Theo ông Đỗ Văn Duy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, trong năm 2019, Lào Cai tạo điều kiện về tiếp cận nguồn vốn và hỗ trợ lãi suất cho người dân gắn với tổ chức triển khai thực hiện chương trình OCOP phấn đấu mỗi huyện sẽ có 4-5 sản phẩm chủ lực được xây dựng nhãn hiệu, cải tiến mẫu mã và truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, theo nghị quyết mới, nông dân Lào Cai được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong hạn mức vay vốn cho các đối tượng theo quy định của chính sách này tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn các huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao gồm: Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai, Sa Pa và hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay cho các đối tượng tương tự tại các huyện, thành phố còn lại. Ngoài ra, đối với chính sách mới hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp, các hợp tác xã tại Lào Cai được hỗ trợ 1 lần thuê 1 lao động mức hỗ trợ tính theo lương tối thiểu vùng, thời hạn hỗ trợ 36 tháng/ hợp tác xã. Các cá nhân, hợp tác xã đầu tư cơ sở chế biến nông sản được hỗ trợ 60% tổng mức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về thông thông, điện, xử lý nước thải, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án. Cùng đó, hỗ trợ 70% chi phí đầu tư cho các cá nhân hợp tác xã đầu tư cơ sở bảo quản nông sản (chiếu xã, khử trùng đóng gói, đông lạnh, bảo quản sinh học). Ngoài ra, hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư xây dựng kho lạnh bảo quản nông sản cho các cá nhân tổ chức đầu tư mua thiết bị làm lạnh, đường điện, xây dựng nhà kho...
Hương Thu