Tháng 5/2021, UBND tỉnh Lào Cai ban hành và triển khai Kế hoạch số 239/KH-UBND về phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Sau gần 2 năm tập trung nguồn lực đầu tư giảm nghèo bền vững, bộ mặt nông thôn Lào Cai nói chung và tại 10 xã lõi nghèo (tỷ lệ hộ nghèo trên 40%) đã có nhiều khởi sắc.
Năm 2022, bất chấp những khó khăn bởi tác động kéo dài của dịch bệnh COVID-19, giá cả vật tư cho sản xuất nông nghiệp leo thang, ảnh hưởng giá xăng dầu... tỷ lệ giảm nghèo tại 10 xã nghèo nhất Lào Cai vẫn đạt cao và vượt kế hoạch.
"Chìa khóa" giảm nghèo
Mười xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tại Lào Cai gồm: Hoàng Thu Phố, Lùng Cải (huyện Bắc Hà), Dền Thàng, Pa Cheo (huyện Bát Xát), Nậm Chảy (huyện Văn Bàn), La Pan Tần, Tả Thàng, Tả Ngải Chồ, Dìn Chin, Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương).
Xác định phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp là “chìa khóa” đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo tại các xã này, năm 2022, ngành nông nghiệp Lào Cai phối hợp với chính quyền các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện 18 danh mục dự án đầu tư phát triển sản xuất, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, với tổng kinh phí hơn 4,6 tỷ đồng.
Nhiều dự án được triển khai đã phát huy hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo như: dự án trồng măng sặt, chăn nuôi bò, ngựa sinh sản, liên kết trồng gừng trâu xuất khẩu ở xã Nậm Chày (Văn Bàn); dự án trồng chè Shan, chăn nuôi lợn đen sinh sản tại các xã: Lùng Khấu Nhin, Tả Thàng, Dìn Chin, La Pan Tẩn (Mường Khương); dự án phát triển cây ăn quả ôn đới, chăn nuôi ngựa, lợn đen bản địa, trồng dong riềng tại Pa Cheo, xã Dền Thàng (Bát Xát)…
Năm 2022, tỷ lệ giảm nghèo tại 10 xã nghèo nhất Lào Cai đạt 11,15% (giảm 676 hộ) vượt mức kế hoạch năm đề ra với 10,22%; trong đó, Pa Cheo (huyện Bát Xát) là xã có tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu nhất trong 10 xã, đạt 14,45% (từ 79,39% xuống 64,81), tương đương giảm 167 hộ nghèo/năm. Thu nhập bình quân năm 2022 đạt 19,2 triệu đồng/người, tăng 5,2 triệu đồng/người so với năm 2020.
Năm 2021, anh Má A Chư, thôn Kin Sáng Hồ mạnh dạn vay 100 triệu đồng để nuôi ngựa sinh sản. Anh đầu tư làm lại chuồng trại để mua ngựa giống về nuôi, chịu khó học hỏi kỹ thuật mới, cùng với áp dụng kiến thức chăn nuôi truyền thống nên bước đầu đàn ngựa phát triển tốt, thu lãi từ 15-20 triệu đồng/con. Năm 2022, anh tiếp tục vay thêm 170 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tăng đàn ngựa sinh sản lên 12 con.
Từ thực tế chăn nuôi của mình, anh Chư đang tích cực vận động các hộ trong thôn cùng làm theo. "Tôi luôn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, chăm sóc ngựa đúng kỹ thuật theo hướng dẫn nên hiệu quả kinh tế khá tốt. Nhiều hộ dân có nhu cầu nuôi ngựa đã tìm đến tôi để học hỏi kinh nghiệm", anh Má A Chư chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Pa Cheo Má A Chúng, cho biết: Nhờ có dự án phát triển cây ăn quả ôn đới, mô hình chăn nuôi ngựa sinh sản, chăn nuôi lợn đen bản địa mà nhiều hộ trong xã đã thoát nghèo. Trên địa bàn xã hiện có hơn 70 ha lê; trong đó, hơn 6 ha đang cho thu hoạch, tạo nguồn thu hơn 4 tỷ đồng/năm; thu từ chăn nuôi lợn đen bản địa và ngựa đạt hơn 3 tỷ đồng/năm.
Nhân rộng những cách làm hiệu quả, cùng với sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, xã Pa Cheo đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có vùng cây ăn quả lê VH6 và mận Tả Van 100 ha; đàn đại gia súc khoảng 500 con, phấn đấu ở mỗi thôn có từ 1 - 2 nhóm cùng sở thích. Phát triển kinh tế chăn nuôi được xác định là hướng đi quan trọng, giúp Pa Cheo sớm thoát khỏi danh sách các xã nghèo của tỉnh.
Dân hết nghèo, lãnh đạo mới hoàn thành nhiệm vụ
Ưu tiên bố trí nguồn lực cao nhất cho 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh là nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai Kế hoạch năm 2023 cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và phát triển kinh tế-xã hội tại 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao tại Lào Cai vừa được địa phương tổ chức.
Do đó, không chỉ đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển kinh tế, Lào Cai có nhiều cơ chế chính sách đặc thù nhằm gắn trách nhiệm người đứng đầu với công tác giảm nghèo. Tinh thần này được thể hiện rõ nhất ở việc Lào Cai phân công Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và lãnh đạo các Sở, ban, ngành giúp đỡ 10 xã có tỷ hộ nghèo cao của tỉnh. Chủ trương này nhằm gắn trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể; trong đó, có các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh với các xã với tinh thần “người dân hết nghèo, xã thoát nghèo thì lãnh đạo mới hoàn thành nhiệm vụ”.
Lào Cai có 8 đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh trực tiếp được phân công giúp đỡ 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Các đồng chí được giao nhiệm vụ đã thường xuyên chỉ đạo sát sao đối với công tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đối với 10 xã nghèo. Năm 2022, tổng kinh phí xã hội hóa từ các hoạt động vận động giúp đỡ từ các đồng chí lãnh đạo được giao nhiệm vụ phụ trách 10 xã lên tới 2,38 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Lào Cai Nguyễn Trọng Hài, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và một số doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn được phân công giúp đỡ xã Dền Thàng, huyện Bát Xát. Dền Thàng là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Bát Xát, nằm cách trung tâm huyện 38km. Là một trong 10 xã nghèo nhất của tỉnh, giao thông tại Dền Thàng còn nhiều khó khăn do tuyến đường trục xã sau nhiều năm hoạt động đã xuống cấp, các tuyến liên thôn, liên gia do địa hình đồi núi dốc cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc đi lại vận chuyển của bà con nhân dân.
Chủ tịch UBND xã Dền Thàng Tráng A Chí cho biết, xã xác định, chỉ khi giao thông thuận lợi mới giúp người dân thúc đẩy giao thương, lưu thông hàng hóa. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cùng tổ công tác của tỉnh đã kêu gọi các đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh đóng góp công và của cho nhân dân trên địa bàn xã ủng hộ 200 tấn xi măng; phát động nhân công để làm đường liên gia ngõ xóm và đã thực hiện đổ bê tông được 3.120m đường liên gia và ngõ xóm của 06 thôn trên địa bàn xã. Ngoài ra, tổ công tác đã giúp xóa 5 nhà tạm, cung cấp con giống hỗ trợ phát triển chăn nuôi… cho người dân địa phương.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của lãnh đạo Sở Lao động,Thương binh và Xã hội, năm 2022, có 04 phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại xã nhằm giới thiệu, quảng bá việc làm tại các công ty, doanh nghiệp. Chủ tịch UBND xã Dền Thàng cho biết, hiện, xã có trên 300 công dân đi làm việc tại các công ty có thu nhập ổn định bình quân 7 triệu/người/tháng; dự kiến, cuối năm 2023 có 75 hộ thoát nghèo trong số lao động đi làm việc tại các công ty.
Lào Cai phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 đạt và vượt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 8% trở lên theo tiêu chí chuẩn nghèo tại 10 xã; nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2025 gấp 2 lần so với năm 2020.
Để đạt được mục tiêu trên, địa phương xác định thời gian tới tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, các đơn vị, lãnh đạo được phân công giúp đỡ các xã thường xuyên xuống cơ sở phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, coi đây là nhiệm trọng tâm để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai.
Bên cạnh đó, địa phương chủ động, tích cực triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn xã; đặc biệt quan tâm hướng dẫn cấp xã tổ chức triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; trong đó, có sự tham gia của hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách đạt hiệu quả thiết thực, có tác động lâu dài đến hiệu quả công tác giảm nghèo.
Hương Thu