Ngày Dân số thế giới 11/7:

Lào Cai nỗ lực kéo giảm các vấn nạn kìm hãm chất lượng dân số

Ở Lào Cai hiện vẫn còn nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến chất lượng dân số, đặc biệt là tảo hôn, hôn nhân cận huyết, phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con. Các ban, ngành ở tỉnh này cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa để giải quyết triệt để các vấn nạn này để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phù hợp với chủ đề của Ngày dân số thế giới 11/7 năm nay: “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”.

LaoCaichatluongdanso.jpg
Cán bộ y tế huyện Bắc Hà (Lào Cai) tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào dân tộc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Trọng Bảo

Còn nhiều thách thức

Những năm qua, Lào Cai áp dụng sáng tạo nhiều chính sách nhằm kéo giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bất bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng, nhóm dân cư. Nghị quyết số 43-NQ/TU ngày 25/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030 ra đời đã góp phần tích cực giải quyết căn bản tình trạng này trong một số vùng đồng bào các dân tộc.

Thực hiện Nghị quyết, trong 6 tháng qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng 5 chuyên đề về phòng, chống tảo hôn; tổ chức 370 hội nghị tuyên truyền cho 31.571 lượt người là cán bộ thôn, người có uy tín, thanh niên, phụ nữ, người dân. Việc kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng triển khai thực hiện. UBND cấp xã xử phạt vi phạm hành chính 14 vụ vi phạm, tảo hôn. Các cơ quan, đơn vị, địa phương duy trì 140 mô hình điểm, giúp hội viên chia sẻ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm hay để tuyên truyền, vận động nhân dân về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai Nông Đức Ngọc cho biết, qua hơn nửa năm thực hiện, Nghị quyết số 43-NQ/TU đã tạo chuyển biến tích cực nhận thức của người dân về xóa bỏ hủ tục trong việc cưới, việc tang, phòng chống tảo hôn, không còn trường hợp nào vi phạm hôn nhân cận huyết thống. Các địa phương tuyên truyền, vận động được 74 người chưa đủ tuổi kết hôn từ bỏ ý định về chung sống với nhau như vợ chồng. Trong đó, thị xã Sa Pa chiếm nhiều nhất, với 33 người.

Nhưng tảo hôn và phụ nữ sinh dưới 18 tuổi sinh con vẫn là vấn đề đáng báo động tại Lào Cai, tạo nên thách thức không nhỏ cho công tác dân số. Thống kê từ Sở Y tế Lào Cai cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024 có 375 phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con, tăng 27 người (bằng 7,76%) so cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, có 29 phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần 2. Ngoài ra, có 53 người chưa đủ tuổi kết hôn sống chung với nhau hoặc sống chung với người khác như vợ chồng (vi phạm tảo hôn), chỉ giảm 3 trường hợp so cùng kỳ năm trước, bằng 42,74% so với năm 2023.

Năm 2024, Lào Cai đặt mục tiêu giảm 25% số phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con so với năm 2023. Như vậy, nếu các cấp, ngành không quyết liệt thực hiện, mục tiêu này có thể không đạt được; việc giảm 30% số người tảo hôn so với năm 2023 cũng có nguy cơ không đạt.

Ông Nông Đức Ngọc thông tin, nguyên nhân của tình trạng này ngoài tập quán địa phương còn do ở nhiều nơi, cấp xã chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thiếu chỉ đạo cụ thể. Còn có tình trạng ở một số thôn bản che giấu, không khai báo với UBND xã số liệu thực tế các vụ tảo hôn, phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con, gây trở ngại cho việc quản lý nhà nước về tư pháp và áp dụng biện pháp can thiệp. Trên thực tế, còn nhiều gia đình chưa quan tâm, buông lỏng con cái, còn tư tưởng chấp nhận, chiều theo ý thích của con, coi tảo hôn là việc bình thường. Thêm vào đó, công tác phối hợp quản lý học sinh giữa nhà trường và gia đình chưa chặt chẽ nên chưa kịp thời phát hiện trường hợp tảo hôn.

Tiếp tục thực hiện sâu, rộng công tác tuyên truyền

Thực tiễn cho thấy, dù bước đầu tình trạng tảo hôn đã giảm, nhận thức người dân có chuyển biến, hôn nhân cận huyết thống không còn nhưng trong đời sống của đồng bào còn tiềm ẩn nguy cơ do tập tục này tồn tại hàng trăm năm, qua nhiều thế hệ. Vì vậy, công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con là quá trình kiên trì, thực hiện trong nhiều năm.

Công tác truyền thông cung cấp kiến thức về sức khoẻ sinh sản, phòng, chống tảo hôn, sinh con sớm ở tuổi vị thành niên, phòng, chống xâm hại tình dục, kiến thức nâng cao chất lượng dân số luôn được Lào Cai tích cựctriển khai, coi đây là vấn đề xã hội lớn.

Vừa qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp Trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai triển khai Hội thi tìm hiểu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Cả hội trường tràn ngập tiếng vỗ tay, reo hò của học sinh trước những phần thi của 4 đội là học sinh khối 10-11. Các em thể hiện những hiểu biết về sức khoẻ sinh sản, tảo hôn, sinh con sớm, hôn nhân cận huyết thống, phòng chống xâm hại tình dục… lồng ghép khéo léo vào màn chào hỏi, thi kiến thức, hùng biện và truyền tải những thông điệp ý nghĩa, mang lại tiếng cười cho khán giả.

Bà Trương Thị Thanh Vân, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lào Cai khẳng định, cùng với tuyên truyền trực tiếp, gián tiếp, hình thức sân khấu hóa trong truyền thông dân số là cách làm hay, mang lại hiệu quả cao. Các phần dự thi giới thiệu về dân số, kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản dễ tiếp thu, dễ nhớ, tạo hứng thú cho người xem, góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức cho học sinh.

Mới đây nhất, ngày 28/6, ở huyện Bắc Hà - điểm nóng về tình trạng phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con diễn ra chương trình Phát động chiến dịch phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống năm 2024. Tại buổi lễ, lãnh đạo các xã, thị trấn đã cùng ký kết tham gia tuyên truyền, phòng chống, đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, hướng tới mục tiêu Bắc Hà không còn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thực hiện nếp sống mới văn minh, hiện đại.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai Nông Đức Ngọc nêu rõ: Cùng với việc tiếp tục thực hiện sâu, rộng công tác tuyên truyền, giải pháp căn cơ xử lý các vấn nạn này trong giai đoạn tới là tập trung thúc đẩy phát triển mạnh mẽ về kinh tế, tận dụng tối đa nguồn lực, cơ chế, chính sách của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sống của đồng bào. Các đơn vị, địa phương phát triển công nghệ thông tin có định hướng gắn với chuyển đổi số nhằm làm thay đổi căn bản tư duy của đồng bào, đối tượng trong độ tuổi thanh thiếu niên. Các cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo làm tốt công tác quản lý, đồng thời gắn với hình thức xử lý hành chính, hình sự phù hợp nhất để ngăn chặn và răn đe.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm