Gỡ "nút thắt" trong phòng, chống tảo hôn tại Lào Cai

Vấn nạn tảo hôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai dù đã có chiều hướng giảm song vẫn chưa thực sự bền vững. Nguyên nhân là do một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tư tưởng coi tảo hôn là việc bình thường. Để tháo gỡ "nút thắt" này, địa phương đang triển khai nhiều mô hình, giải pháp sáng tạo nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thay đổi nhận thức trong nhân dân.

vna_potal_lao_cai_tung_buoc_day_lui_nan_tao_hon_va_hon_nhan_can_huyet_thong_5350877.jpg
Cán bộ thôn Láo Lý, xã tả Phời (thành phố Lào Cai) tuyên truyền đến người dân về tác hại và hệ lụy của hôn nhân cận huyết thống. Ảnh tư liệu: Quốc Khánh -TTXVN

Nhiều cách làm linh hoạt

"Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là vi phạm pháp luật, gây ra hậu quả nặng nề cho bản thân và gia đình", "Mỗi học sinh đều có thể trở thành những tuyên truyền viên về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho bạn bè, người thân và địa phương”... Ngày hai lần, cứ sau mỗi buổi học, tiếng loa phát thanh với các nội dung trên lại vang lên trong sân Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Hoàng Thu Phố (huyện Bắc Hà) bởi Đội tuyên truyền Măng non của trường.

Học sinh Sùng Thị Minh Bích (lớp 8A1, phụ trách Đội tuyên truyền Măng non của trường) cho biết, hoạt động này tạo cơ hội cho em và các bạn được nói lên suy nghĩ, quan điểm bản thân; đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chung tay ngăn chặn các vấn nạn xã hội, trong đó có nạn tảo hôn.

Những nội dung Đội tuyên truyền Măng non phổ biến là chủ đề không mới, theo kiểu "biết rồi khổ lắm nói mãi", nhưng mưa dầm thấm lâu. Nhờ đó, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng do tảo hôn tại trường đang được đẩy lùi hiệu quả. Thầy giáo Phạm Trung Thành, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Hoàng Thu Phố cho biết, trường có 330 học sinh. Số lượng học sinh bán trú của đơn vị đông nhất huyện. Trước đây, cứ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các thầy cô giáo của trường lại vất vả đi vận động học sinh quay trở lại học. Hiện nay, tỷ lệ chuyên cần của các em trong ngày đầu tái giảng luôn ở mức cao. Tỷ lệ học sinh nghỉ học giữa chừng giảm, tỷ lệ phân luồng sau tốt nghiệp của trường ngày càng tăng, đạt gần 90% (thuộc tốp đầu của huyện).

Ngoài ra, nhà trường còn tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành địa phương ngăn chặn kịp thời các trường hợp học sinh có ý định tảo hôn. Điển hình, năm học 2022 - 2023, gia đình học sinh S.T.Ch. (lớp 7) có ý định cho con gái tảo hôn. Ngay khi nhận được thông tin qua nhóm zalo của thôn và xã, cấp ủy, chính quyền địa phương đã cử đoàn công tác gồm: đại diện nhà trường, các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng Công an, quân sự... đến nhà để thuyết phục đến khi gia đình chấp thuận và cho con đi học trở lại.

Không chỉ ở vùng cao, tảo hôn là vấn nạn đáng lo ngại ngay cả ở các địa bàn vùng thấp của Lào Cai. Bước sang tuổi 15, em H.Th.H. (xã Hợp thành, thành phố Lào Cai) đã từng có ý định nghỉ học để lấy chồng. Nhờ sự can thiệp kịp thời của gia đình và Tổ truyền thông cộng đồng nơi em đang sinh sống, H. đã từ bỏ ý định lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi. Hiểu được tảo hôn sẽ để lại nhiều hệ lụy sau này, em đã lựa chọn tiếp tục con đường học tập để theo đuổi ước mơ.

“Hiện em đang đi học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên thành phố Lào Cai. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, đồng thời em có bằng nghề về du lịch; khi đó em có thể tìm kiếm việc làm để có thu nhập phụ giúp gia đình cũng như lo cho tương lai của mình”, H. tâm sự.

Xã Hợp Thành với 95% dân số là dân tộc Tày, Giáy và Xa Phó. Đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trước đây, trên địa bàn đã có thời điểm tảo hôn là vấn nạn nhức nhối. Từ khi thành lập các Tổ truyền thông cộng đồng tại các thôn, bản, tình trạng này đã giảm rõ rệt. “Chúng tôi quản lý từng gia đình. Khi phát hiện gia đình nào con em có biểu hiện kết hôn dưới 18 tuổi, chúng tôi đến tận nhà tuyên truyền, vận động, phân tích để phụ huynh, cũng như các cháu hiểu được việc kết hôn khi chưa đủ tuổi là vi phạm pháp luật. Nhờ đó, nhiều trường hợp có ý định tảo hôn trong thôn đã được chúng tôi ngăn chặn kịp thời”, ông Hà Văn Tần, thành viên Tổ truyền thông cộng đồng thôn Pèng 1 (xã Hợp Thành) cho biết.

Tỉnh Lào Cai hiện có trên 400 Tổ truyền thông cộng đồng tại 9 huyện, thị xã, thành phố với hơn 3.400 thành viên. Để người dân dễ tiếp thu, nắm bắt thông tin, các Tổ truyền thông cộng đồng thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, phổ biến kiến thức trực tiếp và qua nhóm zalo về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; xây dựng chương trình truyền thông phát trên hệ thống loa phát thanh xã bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc. Bằng nhiều cách làm linh hoạt, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, năm 2023, tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn đã giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022. Các địa phương đã kịp thời ngăn chặn gần 230 trường hợp có ý định về chung sống với nhau như vợ chồng khi chưa đủ 18 tuổi.

Tạo lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư

Ngày 25/9/2023, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2023 - 2030; coi đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Tỉnh ủy Lào Cai yêu cầu, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt trên cả 2 mặt “phòng” và “chống”; trong đó “phòng” là chính, là cơ bản, lâu dài, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tỉnh đặt ra hằng năm.

vna_potal_lao_cai_tung_buoc_day_lui_nan_tao_hon_va_hon_nhan_can_huyet_thong_5350872.jpg
Cán bộ thôn Láo Lý, xã tả Phời (thành phố Lào Cai) tuyên truyền đến người dân về tác hại và hệ lụy của việc hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Tỉnh xác định đưa công tác phòng, chống tảo hôn thành một nội dung trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo trong giai đoạn và hằng năm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong phòng, chống tảo hôn. Chi bộ phân công đảng viên phụ trách từng nhóm hộ; đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong hoạt động phòng, chống tảo hôn, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư.

Xã Thanh Bình (huyện Mường Khương) - nơi có đông đồng bào Nùng, Bố Y và Mông sinh sống đã triển khai nghiêm túc Nghị quyết của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2023 - 2030. Theo Bí thư Đảng ủy xã Thanh Bình Tráng Minh Hoa, để đưa nghị quyết vào cuộc sống, Đảng ủy chỉ đạo các Chi bộ, nhất là 8 Chi bộ nông thôn và Chi bộ Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở xã đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ này; thường xuyên tuyên truyền, vận động và kịp thời nắm bắt tình hình tại cơ sở. Từ khi triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy, xã đã can thiệp, ngăn chặn kịp thời một số trường hợp có ý định tảo hôn, nhờ đó trên địa bàn không ghi nhận trường hợp nào phát sinh.

Lào Cai phấn đấu đến năm 2030 cơ bản không còn tình trạng tảo hôn, nữ dưới 18 tuổi sinh con. Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu giảm từ 30% trở lên số người tảo hôn so với năm 2023; giảm từ 25% trở lên số nữ giới dưới 18 tuổi sinh con so với năm 2023. Để đạt mục tiêu trên, năm 2024, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa các biện pháp truyền thông. Mỗi huyện, thị xã, thành phố lựa chọn 1 xã để tổ chức Chiến dịch truyền thông về phòng, chống tảo hôn, thực hiện bình đẳng giới, chống bạo lực gia đình, thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản, xây dựng nếp sống văn minh. Các cấp, ngành, địa phương huy động toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc tham gia phong trào “Xã, thôn, bản không có tảo hôn, không có phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con”.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm