Trang phục truyền thống được xem là "thẻ căn cước" của một dân tộc bởi nó thể hiện bản sắc văn hóa, nét đẹp riêng có và chứa đựng nhiều giá trị hơn một bộ trang phục để mặc đơn thuần. Những năm qua, chính quyền, người dân địa phương và ngành Văn hóa - Du lịch Lào Cai đã có nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực nhằm gìn giữ và bảo tồn, kịp thời ngăn chặn thực trạng trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số đang ngày bị mai một, biến dạng, xa rời nguyên gốc.
Tạo "không gian sống" cho trang phục truyền thống
Việc vận động mặc trang phục dân tộc ở công sở đã và đang được thực hiện ở một số địa phương của tỉnh Lào Cai và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân cùng cán bộ, công chức, viên chức.
Đều đặn vào mỗi buổi sáng thứ Hai đầu tuần, chị Lương Thị Đằng, dân tộc Tày, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên lại sửa soạn, chọn cho mình bộ quần áo dân tộc mới nhất, đẹp nhất để đi làm. Chị Đằng cho biết, những ngày đầu, khi xã mới triển khai quy định cán bộ, công chức xã mặc trang phục dân tộc đi làm vào thứ Hai, chị và nhiều người khác không tránh khỏi tâm lý e ngại. Bởi lâu nay, các chị đã quen với việc mặc áo sơ mi, quần âu đi làm rồi. Bây giờ, 100% cán bộ, công chức xã Nghĩa Đô đều hưởng ứng mặc trang phục dân tộc ở nơi công sở trong ngày đầu tuần.
Với đặc thù công việc là khuyến nông viên của xã, hàng ngày, chị Ma Thị Dóc phải thường xuyên tiếp xúc với bà con nông dân. Chính vì vậy, việc mặc trang phục dân tộc khi đi cơ sở còn giúp cho chị dễ tiếp cận, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con. Ông Hoàng Văn Hiên, bản Mường Kem, xã Nghĩa Đô cho biết: "Khi thấy những cán bộ mặc trang phục truyền thống dù ở công sở hay xuống cơ sở, chúng tôi thấy gần gũi hơn, từ đó mạnh dạn trao đổi những thắc mắc, khó khăn gặp phải trong quá trình sản xuất hay thực hiện thủ tục hành chính".
Chị Ma Thị Dóc chia sẻ: Thực ra mặc trang phục dân tộc khi đi làm cũng rất phù hợp, thoải mái khi đi tiếp xúc với người dân. Bởi chính bà con vẫn mặc trong sinh hoạt, lao động hằng ngày, không có lý gì mà mình lại thấy khó khăn, bất tiện khi đi làm cả.
Sinh sống ở mảnh đất Sa Pa, hàng ngày tiếp xúc với những khách du lịch phương xa, cuộc sống của người dân tộc thiểu số Mông, Dao Giáy... cũng chịu nhiều tác động từ sự phát triển của du lịch. Nhưng họ vẫn biết cách giữ gìn và quảng bá trang phục truyền thống của mình một cách hiệu quả và phù hợp.
Gia đình bà Liềng Thị Chi, thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van mở dịch vụ lưu trú homestay và thường xuyên mặc trang phục truyền thống dân tộc Giáy trong thời gian phục vụ khách. Gia đình còn sử dụng những bộ trang phục truyền thống của các tộc người khác ở địa phương làm đồng phục cho nhân viên hoặc để trang trí không gian homestay bằng khăn, mũ, túi đeo, vỏ gối, ga giường, tranh... "Các bạn hướng dẫn viên người địa phương cũng mặc trang phục truyền thống khi dẫn khách đi tham quan. Điều này vừa giúp tạo thiện cảm với khách ngay từ cái nhìn đầu tiên, vừa góp phần giới thiệu trang phục truyền thống của mình tới du khách", bà Chi cho biết.
Rõ ràng, du lịch không chỉ tạo thu nhập cho người dân bản địa Lào Cai mà còn là không gian lý tưởng để tôn vinh và truyền bá các giá trị văn hóa, qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Du lịch càng phát triển mạnh, "không gian sống" cho trang phục truyền thống của các tộc người ở Lào Cai càng được mở rộng không chỉ trong phạm vi quốc gia mà vươn mạnh ra cả thế giới.
Bảo tồn nghề may, thêu truyền thống
Ai có dịp tham gia "Lễ hội hoa hồng và tình yêu năm 2022" và một số chương trình carnavan đường phố vừa được tổ chức tại huyện Bắc Hà sẽ được thấy nhiều hình ảnh đẹp của người dân địa phương trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Một số sản phẩm trong đó đến từ tình yêu nghề may trang phục truyền thống của người phụ nữ dân tộc Nùng Tráng Thị Lan (xã Na Hối, huyện Bắc Hà).
Bà Lan cho biết, trước đây mẹ của bà cũng là một người phụ nữ Nùng khéo tay có tiếng, đã chỉ bảo cho bà rất nhiều để tay nghề thêm thuần thục và nhân lên tình yêu với nghề qua từng đường kim, mũi chỉ. Bà Lan tự mày mò, sáng tạo ra cách nhuộm vải rất độc đáo để hạn chế việc phai màu. Do vậy, khách hàng rất thích, đánh giá cao tay nghề, sự khéo léo của bà và tìm đến đặt hàng rất nhiều. Bà kể: Ngày xưa đồng bào địa phương nghèo lắm, đến ngày lễ, ngày tết, dù vải vóc lúc đó còn rất ít, rất hiếm nhưng nam thanh, nữ tú trong thôn, trong bản, ai ai cũng mong có một bộ trang phục truyền thống thật đẹp để du Xuân chơi Tết. Hiện nay, khi điều kiện sống của bà con đã khấm khá hơn, trang phục truyền thống lại là một nét đẹp văn hóa cần được giữ gìn, phát huy, bởi nó chính là hồn cốt của đồng bào.
Theo kết quả khảo sát thực tế của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh, tỷ lệ sử dụng trang phục truyền thống nhiều nhất ở Lào Cai thuộc về nhóm dân tộc Hà Nhì ở Bát Xát (phụ nữ còn sử dụng khoảng 80%), người Mông ở Bát Xát (khoảng 70%), La Chí ở Bắc Hà, Si Ma Cai (khoảng 70%), đồng bào Mông ở Sa Pa (khoảng 70%), Phù Lá ở Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai (khoảng 65%), người Giáy, người Tày (khoảng 65%)... Vấn đề bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số là hành trình dài lâu và không hề đơn giản; nhất là việc bảo tồn, phát huy trong cuộc sống hằng ngày lại càng khó khăn, phức tạp hơn. Trên địa bàn Lào Cai, một số câu lạc bộ, hợp tác xã may thêu thổ cẩm ở Sa Pa, Bắc Hà đã hình thành. Nhiều hộ gia đình người Mông ở Cát Cát (Sa Pa) đã duy trì rất tốt việc tự dệt và may thêu các sản phẩm thổ cẩm bán cho khách du lịch. Bên cạnh đó, một số ít dân tộc thiểu số vẫn tự dệt vải như người Mông ở xã Nậm Chày, xã Nậm Tha, người Tày ở xã Minh Lương (Văn Bàn); người Dao Họ ở xã Cam Cọn (Bảo Yên).
Nhằm đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong đời sống văn hóa - xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số, thực hiện "Dự án Bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc phục vụ phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025", năm 2022, tỉnh có kế hoạch tổ chức mở lớp truyền dạy kỹ năng, kỹ thuật, cách thức trồng bông dệt vải, kỹ thuật thêu, trang trí hoa văn ghép vải 3 dân tộc Tày, Nùng, Thái tại 11 xã; truyền dạy kỹ năng, kỹ thuật, cách thức trồng lanh, bông dệt vải, kỹ thuật thêu, trang trí hoa văn ghép vải hai dân tộc Mông, Dao ở 12 xã trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2022, tỉnh thực hiện xây dựng mô hình bảo tồn may, thêu trang phục dân tộc Mông tại thị xã Sa Pa phục vụ phát triển du lịch; 22 mô hình câu lạc bộ bảo tồn trang phục, mẫu hoa văn, trang sức dân tộc Dao, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng và dân tộc Mông, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai; khôi phục, bảo tồn trang phục của nhóm dân tộc ít người La Chí tại xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà và người Mông Trắng tại xã Liên Minh, thị xã Sa Pa. Ngoài ra, dự kiến đến năm 2025, quy chế đối với việc sử dụng trang phục truyền thống dân tộc ở các cơ quan có cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số và quy chế về việc sử dụng và mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ lớn của tỉnh, huyện, xã và của cộng đồng tại Lào Cai sẽ được ban hành.
Hương Thu