Tuần tra rừng trong khu vực rừng già thuộc xã Y Tý, huyện Bát Xát. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN |
Theo ghi nhận của các nhà khoa học, Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát có 940 loài thực vật bậc cao có mạch. Trong đó có 47 loài thực vật nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, phát hiện một loài thực vật mới (thích tím). Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cũng đã thống kê được 157 loài động vật có xương sống trên cạn thuộc 92 họ, 25 bộ, ghi nhận có tới 35 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Thời gian qua, Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát (Lào Cai) đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ rừng và đa dạng sinh học tại khu vực quản lý.
Do có địa hình chia cắt mạnh, nhiều núi cao, vực sâu hiểm trở và lực lượng khu bảo tồn mỏng so với diện tích được giao quản lý nên công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát gặp nhiều khó khăn. Khó khăn nhất là nhận thức của người dân bản địa về giá trị đa dạng sinh học của khu bảo tồn còn hạn chế. Đặc biệt là rào cản về ngôn ngữ tạo nên sự bất cập khiến lực lượng chức năng thực hiện công tác tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ dân trong khu vực đã trồng cây thảo quả và sấy khô thảo quả ngay tại lõi rừng dẫn tới nguy cơ cháy rừng cao. Hiện vẫn còn tình trạng người dân chặt phá rừng để mở rộng diện tích trồng cây thảo quả trong vụ mùa mới, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quản lý, bảo vệ rừng.
Cán bộ Kiểm lâm thuộc hạt Kiểm lâm xã Y Tý, huyện Bát Xát phát quang cây rừng, chủ động phòng chống cháy rừng nơi có nguy cơ cháy cao. Ảnh: Quốc Khánh – TTXVN |
Ông Ngô Kiên Trung, Trưởng ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cho biết, để làm tốt công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, các cán bộ của Khu bảo tồn đã xây dựng bản đồ khoanh vùng khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng như: Khu vực xã Y Tý, tiểu khu 73, 80, 88 xã Sàng Ma Sáo, tiểu khu 90, 100, 106 xã Trung Lèng Hồ. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tăng cường tổ chức tuyên truyền về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng tại các xã, thôn bản nằm trên địa bàn khu bảo tồn, dựa trên việc ký kết quy chế phối hợp, công tác khoán bảo vệ rừng đến từng hộ dân.
Cùng với đó là thành lập các tổ xung kích có sự tham gia của người dân sinh sống kết hợp cùng cán bộ kiểm lâm khu bảo tồn nhằm nâng cao tính cộng đồng và tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân về công tác bảo vệ rừng, giữ gìn hệ sinh thái vốn có. Đơn vị cũng tăng cường đầu tư, duy tu, bảo dưỡng các dụng cụ phòng cháy chữa cháy rừng; tăng cường các tổ xung kích thường trực phòng cháy chữa cháy rừng tại chỗ, duy trì kiểm tra, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm liên quan đến khai thác, buôn bán, vận chuyển trái phép nguồn tài nguyên tại khu bảo tồn... Nhờ đó, thời gian qua, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đã không để xảy ra điểm cháy nào.
Hồng Ninh