Hai tháng nay, người trồng ớt ở huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) rất phấn khởi bởi ớt được mùa, được giá. Sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm nay quả ớt tươi lại được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng Vi Nông Trường cho biết, để khâu tiêu thụ ớt bảo đảm ổn định, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng ớt trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn xây dựng danh sách “khách hàng tiềm năng” để triển khai ký kết thỏa thuận hợp tác thu mua, tiêu thụ sản phẩm ớt quả tươi.
Hiện tại, phía huyện Chi Lăng đã đạt được thỏa thuận liên kết trong khâu tiêu thụ ớt đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên An Hải Phát (ở tỉnh Lào Cai), Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Khang (ở huyện Cao Lộc), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Diệp (thành phố Lạng Sơn), Hợp tác xã Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ (thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng) và một số tư thương chuyên thu mua ớt với số lượng lớn trên địa bàn huyện Chi Lăng và một số địa bàn khác.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng Lương Thành Chung ước lượng, vụ ớt năm nay, huyện Chi Lăng trồng được 630 ha, sản lượng ước đạt từ 4,5 đến 5 nghìn tấn.
Để bảo đảm giá ớt ổn định, ngay từ đầu vụ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp chính quyền các xã, thị trấn vận động bà con tăng quy mô diện tích ớt trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm chất lượng vùng trồng để được cấp mã số, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm ớt xuất khẩu. Nhờ đó, hiện diện tích ớt trồng theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện đạt gần 400 ha, tăng hơn 80 ha so cùng kỳ năm 2022.
Năm nay, ngay khi bước vào đợt gieo trồng ớt, Ủy ban nhân dân huyện Chi Lăng đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức xây dựng, thiết lập hồ sơ và triển khai các bước đề nghị Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số vùng trồng ớt xuất khẩu. Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 36 mã vùng trồng ớt trên địa bàn huyện Chi Lăng với diện tích 320 ha.
Cũng ngay từ đầu vụ, chính quyền các cấp của huyện Chi Lăng đã liên kết một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản xây dựng hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được cấp mã số đóng gói bao bì sản phẩm xuất sang thị trường Trung Quốc. Đến thời điểm hiện tại, 3 cơ sở xuất khẩu ớt thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm ớt của huyện Chi Lăng đã được cấp mã số cơ sở đóng gói sản phẩm ớt xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Bà Nguyễn Thị Lý, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ cho hay, huyện đã chủ động gặp gỡ, trao đổi và thực hiện ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm ớt. Qua ký kết, Hợp tác xã Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ đã cam kết thực hiện thu mua từ 500-1.000 tấn ớt thu hoạch được trong vụ này.
Ngoài Hợp tác xã Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ, qua thỏa thuận hợp tác các doanh nghiệp, hợp tác xã và một số tư thương có quy mô lớn đều cam kết bảo đảm thực hiện tiêu thụ toàn bộ sản lượng ớt (sản lượng dự ước đạt 4,5-5 nghìn tấn) và giá cam kết thu mua sản phẩm ớt quả tươi trên dưới 15 nghìn đồng/kg.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn Lý Việt Hưng đánh giá, vụ ớt này, diện tích trồng ớt trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.479 ha, tăng 91 ha so niên vụ năm 2022. Cây ớt được trồng chủ yếu ở các huyện: Chi Lăng, Lộc Bình, Hữu Lũng, Văn Quan... Các giống ớt truyền thống trước đây đã được thay bằng giống ớt cao sản, năng suất bình quân đạt khoảng 300 đến 500 kg/sào. Nhiều hộ nông dân đã tập trung trồng ớt trở thành cây chủ lực trong vụ sản xuất để đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở các vùng nông thôn.
Anh Tuấn