Theo ông Điểu K’Dũng, Trưởng Buôn Go: “Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về mọi mặt, như: Hỗ trợ làm nhà ở, trường học, đường, điện, nhà sinh hoạt cộng đồng…, đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã có nhiều chuyển biến rõ nét”. Khi đời sống của người dân đã được nâng lên, bà con có điều kiện chăm lo cho đời sống tinh thần, đặc biệt là các nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào thường xuyên được bà con giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Một trong những văn hóa truyền thống phổ biến được bà con Buôn Go lưu truyền cho đến ngày nay, như: Nghề dệt thổ cẩm, rèn, ủ rượu cần và đan lát…
Phụ nữ Buôn Go dệt thổ cẩm lúc rảnh rỗi. |
Nghề dệt thổ cẩm là một trong những nghề phổ biến nhất ở vùng đất Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng, được phát triển rộng rãi đến tận một số thôn, buôn của đồng bào. Những tấm áo, khố, túi xách… được thêu, dệt bởi những bàn tay khéo léo, mềm mại, tỉ mỉ của các cô gái với những nét hoa văn, họa tiết sắc màu rực rỡ. Những sản phẩm ấy không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình mà còn tô thêm vẻ đẹp của các chàng trai, cô gái trong các dịp lễ hội. “Tôi học dệt thổ cẩm từ mẹ, cô và các chị trong buôn. Những lúc rảnh rỗi không đi lên nương rẫy thì chị em chúng tôi quây quần ngồi trước hiên nhà với những khung cửi để dệt nên những tấm thổ cẩm phục vụ cho sinh hoạt gia đình và bán cho khách để có thêm nguồn thu nhập. Bên cạnh đó, chúng tôi còn truyền lại cho con cháu trong gia đình, với mong muốn góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc truyền thống của người Châu Mạ” - chị Điểu Thị Soài nói.
Cũng như ủ rượu cần và dệt thổ cẩm, thì nghề rèn truyền thống của người Châu Mạ cũng là một trong những nghề có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của bà con. Các sản phẩm làm ra từ nghề rèn luôn gắn liền với đời sống, sinh hoạt cũng như trong lao động sản xuất. Nghề rèn của người Châu Mạ ở huyện Cát Tiên không có lò rèn cố định, nó có thể được dựng ngay tại các hiên nhà, dưới tán những cây che bóng và ở những nơi thuận lợi nhất. Anh Điểu K’Đông cho biết: “Trước đây, người Châu Mạ dùng cây lồ ô để làm ống thụt thổi hơi. Ngày nay, khi xã hội đã phát triển, bà con đã dùng dụng cụ quay tay, nên có nhiều thuận lợi, đỡ vất vả hơn và chỉ 2 người là có thể rèn được. Hiện tại, họ chỉ rèn những vật dụng cần thiết như xà gạc, rìu và các loại dao… Vào thời gian rảnh rỗi, chúng tôi tổ chức rèn để vừa giữ nghề và cho con cháu ý thức lưu giữ nghề truyền thống của ông bà xưa”.
Trước đây, hầu hết các chàng trai, cô gái người Châu Mạ huyện Cát Tiên nói riêng và ở vùng đất Tây Nguyên nói chung, đều có chung niềm đam mê đánh cồng chiêng, chế tác các loại nhạc cụ truyền thống, các loại vật dụng dùng để săn bắt thú rừng và phòng thân, như lao, giáo, nỏ cho đến việc đan lát thủ công… Còn các cô gái thì múa xoan, dệt thổ cẩm, đan chiếu… và thả hồn với những làn điệu dân ca mượt mà. Nghệ nhân Điểu K’Banh cho biết: “Văn hóa truyền thống của người DTTS Tây Nguyên rất phong phú. Riêng với bản thân, tôi thường xuyên duy trì nghề rèn truyền thống, làm xà gạc, nỏ, các loại dao của đồng bào… với mong muốn truyền đạt lại cho thế hệ con cháu trong buôn nâng cao ý thức trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Hiện nay, Buôn Go đã được Nhà nước đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng thành “Làng kiểu mẫu”. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của 62 hộ dân, với 247 nhân khẩu trong buôn đã có nhiều đổi thay. Những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào đã được kế thừa và phát huy. Buôn Go chính là “bức tranh” sinh động về đời sống, sinh hoạt của đồng bào Châu Mạ ở vùng đất Nam Tây Nguyên.
báo Lâm Đồng