Lung linh ánh đèn nông nghiệp trong đô thị Đà Lạt |
Làng Đô thị Xanh - tương lai của Đà Lạt mở rộng
Mô hình “Làng Đô thị Xanh” Đà Lạt có trong đồ án quy hoạch Đà Lạt mở rộng đến năm 2030 tầm nhìn 2050 (Đồ án 704) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Làng đô thị (Urban Village) là một thuật ngữ dùng để mô tả một nơi trong thành phố có tất cả các đặc điểm của làng. Làng đô thị đang là xu hướng phát triển của đô thị hiện nay tại nhiều thành phố, nhằm kiểm soát sự phát triển bằng cách kết nối tất cả các hoạt động trong một trung tâm dịch vụ và giao thông công cộng tốt, có môi trường đô thị an toàn và thuận tiện, có các nhân tố giữ gìn và nâng cao bản sắc văn hóa, truyền thống của cộng đồng một cách bền vững. Các hoạt động có ảnh hưởng môi trường ở mức tối thiểu; tôn trọng hệ sinh thái và các giá trị tự nhiên; sử dụng cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng và năng lượng hiệu quả. Còn “Làng Đô thị Xanh” - Xanh ở đây không phải là xanh của cây mà là xanh môi trường, xanh bền vững, xanh cuộc sống… Từ đó, tranh thủ các nguồn vốn để tăng trưởng xanh. Mô hình “Làng Đô thị Xanh” chưa có ở đâu trên thế giới. Trong quy chuẩn của ngành xây dựng cũng chưa có.
Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Đây là một mô hình hoàn toàn mới, nhưng lại là xu thế phát triển bây giờ và sẽ được quan tâm trong tương lai không xa, để phát triển tất cả các khu vực giáp ranh đô thị. Chính vì vậy, UBND tỉnh tổ chức hội thảo để xây dựng bộ tiêu chí về “Làng Đô thị Xanh”, trình Bộ Xây dựng lấy ý kiến thẩm định rồi mới ban hành. Sau đó, tỉnh Lâm Đồng sẽ lựa chọn vị trí để xây dựng thí điểm “Làng Đô thị Xanh”. Thế giới chưa nơi nào có “Làng Đô thị Xanh”, nhưng gần như thế thì có nhiều, như ở Pháp, Anh, Hàn Quốc… Vì thế, nếu Đà Lạt thành công, thì đây là mô hình đầu tiên về “Làng Đô thị Xanh” của thế giới...”.
Trên thực tế, Đà Lạt dù đang là điểm đến hấp dẫn bởi cỏ cây tươi tốt và khí hậu trong lành, nhưng cũng đang bị áp lực về bảo vệ môi trường và mật độ xây dựng. “Làng Đô thị Xanh” cho người ta cảm nhận trước tiên là “Làng”, nhưng tất cả dịch vụ và tiện ích đều có quy mô là “Đô thị”; với hạ tầng được kết nối đồng bộ và đầu tư hiện đại, nhưng lại mang đặc điểm của làng, như đường sẽ không có vỉa hè, nhiều cây xanh; rồi tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn đầu tư, tiêu chuẩn sử dụng năng lượng, tiêu chuẩn dịch vụ, loại hình sản xuất, đặc trưng văn hóa…
Xây dựng “Làng Đô thị Xanh” để giảm áp lực xây dựng của đô thị truyền thống. Trong quy hoạch Đà Lạt mở rộng đến năm 2030 tầm nhìn 2050, Đức Trọng sẽ là đô thị đối trọng; Đơn Dương, Lạc Dương, Lâm Hà sẽ là các đô thị vệ tinh để giảm tải cho đô thị truyền thống Đà Lạt. Để các đô thị vệ tinh này phát huy tác dụng, cần phải đầu tư hạ tầng đồng bộ, phải có sự kết nối, gắn kết và chia sẻ với đô thị Đà Lạt... Để làm được, Thủ tướng cho phép Đà Lạt sử dụng cơ chế đặc thù, để được ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng khung để các đô thị vệ tinh phát huy tác dụng và để xây dựng các “Làng Đô thị Xanh”.
Không gian xanh trên cao nguyên |
Du lịch nông nghiệp - tiềm năng của “Làng Đô thị Xanh”
Việc xây dựng mô hình “Làng Đô thị Xanh” rất nhiều, sử dụng nguồn lực lớn. Ngành Xây dựng đặt ra mục tiêu trong năm 2016 sẽ làm xong đồ án, năm 2017 sẽ đầu tư để hình thành 1 mô hình “Làng Đô thị Xanh” vào năm 2020. Theo ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Khi xây dựng mô hình “Làng Đô thị Xanh” Đà Lạt, loại hình du lịch nông nghiệp vốn là tiềm năng lớn của Lâm Đồng sẽ rất phát triển. Bởi, hoạt động đời sống trong “Làng Đô thị Xanh” sẽ sử dụng năng lượng tái tạo và sản xuất nông nghiệp sạch. Giải quyết việc làm trên cơ sở nền sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, không phát triển chăn nuôi; khuyến khích phát triển làng nghề; khai thác tối đa du lịch canh nông. Thực thi các giải pháp bảo vệ và xử lý môi trường, làm giàu hệ sinh thái đô thị, an sinh xã hội và đạo đức công dân được coi trọng. Các hoạt động dịch vụ và quản trị của “Làng Đô thị Xanh” luôn hướng đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng phong cách người Đà Lạt “thanh lịch, hiền hòa, mến khách”, là điểm đến du lịch hấp dẫn, giữ được bản sắc văn hóa con người Việt Nam…
Trong điều kiện cụ thể tại Đà Lạt, mô hình thí điểm “Làng Đô thị Xanh” sẽ có quy mô khoảng 200-300ha. Xây dựng trên nguyên tắc vừa nâng cấp đô thị hiện có, vừa quy hoạch mới; kiến trúc đồng đều tùy thuộc vào tập quán dân cư, lịch sử truyền thống và điều kiện khí hậu... hài hòa với các thảm cỏ, hồ cảnh quan, vườn hoa, cây cảnh... Các công trình dịch vụ cao cấp chủ yếu như khu vui chơi giải trí, hoặc trung tâm thương mại nhiều tiện ích để tạo điểm nhấn không gian “Làng Đô thị Xanh” và phục vụ tối đa nhu cầu đời sống - xã hội của người dân; ưu tiên đất cho đường đi bộ, giao thông công cộng, mật độ xây dựng công trình không quá 30% và bổ sung lượng lớn cây xanh; đồng bộ về hạ tầng, phân cấp đường giao thông, khuyến khích người dân đi bộ trong làng đô thị hoặc dùng xe đạp, sử dụng phương tiện công cộng giảm khí thải nhà kính, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió)…
Trước hội thảo, Lâm Đồng cũng đề xuất các tiêu chí của một “Làng Đô thị Xanh” là: quy mô 200 - 300ha, sự đồng đều về kiến trúc trên 70%, mật độ xây dựng công trình mái che và không mái che không quá 30%, hệ thống hạ tầng đồng bộ, các hoạt động kinh tế, dịch vụ và giải trí của người dân theo xu hướng xanh, thân thiện với môi trường, an sinh xã hội bảo đảm, đạo đức và truyền thống, bản sắc văn hóa con người Việt Nam được giữ gìn và phát huy... Khi mô hình “Làng Đô thị Xanh” xuất hiện ở Đà Lạt sẽ là lúc từng đoàn xe đạp nối tiếp nhau đi trên những cung đường làng xinh xắn và thơ mộng, những công viên đầy ắp tình thân và sự vui nhộn của khách và chủ… và trên hết là một ngôi làng hiện đại và tiện nghi trong một không gian xanh, an toàn và thân thiện…
Báo Lâm Đồng