Làm giàu nhờ biết đa canh

Làm giàu nhờ biết đa canh
Ông Trần Xuân Hiến hái bưởi da xanh
Ông Trần Xuân Hiến hái bưởi da xanh
Chúng tôi vừa có dịp đến tham quan trang trại của ông bà Trần Xuân Hiến - Đỗ Thị Thu Hà tại thôn 3, xã Đinh Trang Thượng (huyện Di Linh - Lâm Đồng). Theo lời ông bà kể, cách đây gần 20 năm (vào năm 1998), ở thị trấn Di Linh vào thôn 3 để lập trang trại. Với diện tích 30 ha đất nằm cận kề dòng sông Đồng Nai, là điều kiện khá lý tưởng để có thể thành lập trang trại. Tuy nhiên, cái khó khăn là xa cách Quốc lộ 28, nên chi phí đầu tư ban đầu khá lớn để khai hoang, xây dựng trang trại và làm đường giao thông. 
Để có được một trang trại “ăn nên làm ra” và phòng tránh rủi ro có thể đến do mùa màng và giá cả, hai ông bà đã chọn mô hình sản xuất đa canh, với 3 loại cây trồng chính là: cà phê, bưởi da xanh và xoài cát. Với cây cà phê Robusta thì đã phổ biến, nên hai ông bà không một chút ngần ngại trong việc bỏ vốn đầu tư. Tuy nhiên, đối với bưởi da xanh và xoài cát là 2 loại cây trồng mới trên vùng đất Di Linh, nên trước khi quyết định đầu tư, hai ông bà đã dày công tìm hiểu kỹ lưỡng về kỹ thuật trồng, chăm sóc, giá cả, thị trường, đầu ra cho sản phẩm và học tập kinh nghiệm của các “lão ông tri điền” ở các địa phương khác mà gặt hái được kết quả như mong muốn. 
Theo ông bà, Trồng bưởi da xanh rất khó, vì đòi hỏi phải biết kỹ thuật, nhất là khâu phòng trừ các loại nấm và sâu bệnh hại. Hàng tháng, cây bưởi đòi hỏi phải xịt thuốc phòng bệnh 1 - 2 lần. Và cái khó hơn, chu kỳ kinh doanh cây bưởi chỉ khoảng 10 năm là phải tái canh (trồng lại cây mới). Tuy nhiên, thế mạnh được bù đắp lại là bưởi da xanh ăn rất ngon và giá bán rất cao (45.000 đồng/1 kg), nên trồng bưởi thực sự có hiệu quả. Trong năm 2015, trang trại của ông bà thu nhập từ tiền bán bưởi da xanh được trên 1 tỷ đồng; trên 300 triệu đồng từ tiền bán xoài cát và thu được 80 tấn cà phê nhân. Riêng bưởi da xanh, trong những năm qua, đều được mùa và được giá. Sản phẩm làm ra, chủ yếu được thương lái từ Đồng Nai lên mua tận nơi. 
Hiện nay, tại huyện Di Linh có 175 trang trại, nhưng về quy mô diện tích và tính hiệu quả kinh tế, thì trang trại của ông bà Trần Xuân Hiến - Đỗ Thị Thu Hà nằm trong “tốp” đầu. Bởi lẽ, trang trại này sản xuất, kinh doanh đa cây trồng; chủ động được nguồn nước tưới để chống hạn. Mặt khác, trang trại còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động tại địa phương, thực sự là một mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả cần được nhân rộng, địa chỉ để nông dân ở địa phương đến tham quan, học tập. Đó là những nhận xét của nhiều người khi đến tham quan mô hình này.
Theo baolamdong.vn

Có thể bạn quan tâm