Lâm Đồng phấn đấu đạt mức thu nhập từ 84 - 87 triệu đồng/người vùng dân tộc thiểu số

Gia đình ông Nguyễn Bá Dũng (thôn Krăngọ, xã P’ró, Đơn Dương) đã bán hơn 3.000 chậu hoa cúc cho vụ hoa Tết này với doanh thu hơn 500 triệu đồng, chưa trừ chi phí. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN
Gia đình ông Nguyễn Bá Dũng (thôn Krăngọ, xã P’ró, Đơn Dương) đã bán hơn 3.000 chậu hoa cúc cho vụ hoa Tết này với doanh thu hơn 500 triệu đồng, chưa trừ chi phí. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt “Kế hoạch thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2022- 2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. Đáng chú ý, tỉnh Lâm Đồng đặt ra mục tiêu phấn đấu nâng mức thu nhập đầu người trong vùng dân tộc thiểu số lên 84 - 87 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 2-3% mỗi năm.

Lâm Đồng phấn đấu đạt mức thu nhập từ 84 - 87 triệu đồng/người vùng dân tộc thiểu số ảnh 1 Gia đình ông Nguyễn Bá Dũng (thôn Krăngọ, xã P’ró, Đơn Dương) đã bán hơn 3.000 chậu hoa cúc cho vụ hoa Tết này với doanh thu hơn 500 triệu đồng, chưa trừ chi phí. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN

Theo Quyết định số 1183/QĐ-UBND ngày 30/6/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu chung cho Kế hoạch này nhằm phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khai thác tiềm năng, bảo vệ môi trường, không gian sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số; cải thiện rõ rệt đời sống, nâng cao sinh kế của nhân dân, rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân của tỉnh… Mục tiêu cụ thể đặt ra đến năm 2030, phấn đấu nâng mức thu nhập đầu người trong vùng dân tộc thiểu số từ 84 - 87 triệu đồng, bằng 70% thu nhập bình quân đầu người của tỉnh.

Kế hoạch này cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới, có đường ô tô đến trung tâm xã rải nhựa hoặc bê tông; phấn đấu 95-99,5% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, được tham gia bảo hiểm y tế và tiêm chủng mở rộng…; giải quyết cơ bản vấn đề ổn định dân di cư tự do, thiếu đất ở, đất sản xuất; 70% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số…

Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh Lâm Đồng đặt ra 5 giải pháp gồm: Nâng cao nhận thức về công tác dân tộc; đảm bảo nguồn lực thực hiện Chiến lược công tác dân tộc với giải pháp ưu tiên nguồn lực từ ngân sách nhà nước, huy động sự tham gia của các ngân hàng thương mại; đổi mới việc thực hiện chính sách dân tộc như cụ thể hóa hệ thống pháp luật liên quan đến công tác dân tộc, công khai minh bạch các chương trình, dự án, kế hoạch để người dân và các tổ chức chính trị- xã hội biết, tham gia quản lý; kiện toàn và đổi mới bộ máy, đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc; xây dựng và triển khai các đề án, chương trình, chính sách thực hiện Chiến lược công tác dân tộc.

Tỉnh Lâm Đồng có 47 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 70.655 hộ với 333.561 nhân khẩu, chiếm 25,72% dân số của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 78/124 xã phường, 478/1.376 thôn là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong năm 2020, tình hình kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục phát triển; công tác xóa đói giảm nghèo được quan tâm thực hiện, đến cuối năm 2020 tỉ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 3,58%, giảm 2% so với cuối năm 2019.

Theo Quyết định số 75/QĐ-UBND ngày 12/1/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo đến cuối năm 2021 thì hiện toàn tỉnh có 9.731 hộ nghèo, chiếm 2,87% dân số tỉnh. Trong số đó, có tới 6.739 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Như vậy trong tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số toàn tỉnh Lâm Đồng hiện còn 8,55%; tỷ lệ hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số còn 10,41%....Trước thực trạng này, tỉnh Lâm Đồng đã đặt ra mục tiêu quan trọng là cải thiện rõ rệt đời sống và nâng cao sinh kế của nhân dân, rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân của tỉnh…

Chu Quốc Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm