Lâm Đồng đầu tư hơn 300 tỷ đồng thực hiện Đề án quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường

Lâm Đồng đầu tư hơn 300 tỷ đồng thực hiện Đề án quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt dự toán kinh phí thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn toàn tỉnh”. Để thực hiện đề án này, tỉnh sẽ chi 305,565 tỷ đồng cho các hoạt động từ năm 2021 đến năm 2024.

Lâm Đồng đầu tư hơn 300 tỷ đồng thực hiện Đề án quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường ảnh 1 Tại khu vực Tiểu khu 158C, thành phố Đà Lạt, người dân còn vô tư làm đường bê tông xuyên qua đất rừng; san ủi cải tạo đất, trồng cây ăn trái trái phép trên đất lâm nghiệp…Ảnh: Đặng Tuấn-TTXVN

UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư đề án. Đơn vị này có trách nhiệm lập lưới địa chính, xác định đường ranh giới, cắm mốc ranh giới sử dụng đất; đo đạc đường ranh giới, mốc ranh giới; lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh. Toàn bộ các hoạt động này được dự toán chi 293,377 tỷ đồng.

Các hoạt động khác gồm chi phí kiểm tra, nghiệm thu được phê duyệt kinh phí 11,42 tỷ đồng; chi phí khảo sát, thiết kế đã thực hiện được duyệt chi gần 2,57 tỷ đồng, chi phí tổ chức lựa chọn nhà thầu 200 triệu đồng. Nguồn kinh phí này được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và từ nguồn 10% thu tiền sử dụng đất của địa phương.

Sau năm 1975, địa bàn tỉnh Lâm Đồng, hàng loạt các nông trường quốc doanh sản xuất, kinh doanh cây chè, cà phê, lúa, ngô, chăn nuôi bò sữa được thành lập… Do hoạt động không hiệu quả, một số nông trường đã giải thể. Đến năm 1991, toàn tỉnh còn 18 đơn vị quốc doanh trên lĩnh vực nông nghiệp quản lý gần 12.370 ha đất; trong đó, Trung ương quản lý 9.464 ha, địa phương quản lý gần 2.900 ha. Tỉnh thành lập 19 lâm trường, thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, khai thác gỗ rừng tự nhiên theo chỉ tiêu kế hoạch hàng năm. Đến năm 1997, tỉnh Lâm Đồng sắp xếp lại còn 9 lâm trường, đến năm 2006 tiếp tục sắp xếp, chuyển đổi một lâm trường thành Ban Quản lý rừng phòng hộ, 8 lâm trường thành Công ty lâm nghiệp và năm 2010 chuyển thành 8 Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp. 8 Công ty hiện quản lý 184.410 ha rừng (đất lâm nghiệp trên 182.400 ha, đất khác trên 2.000 ha)…

Những năm gần đây, một lượng người từ các địa phương khác tới tỉnh tìm mua đất ở, đất sản xuất, khiến giá đất tăng vọt. Nhiều đối tượng manh động, tổ chức phá rừng, lấn chiếm đất sản xuất, nhất là đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường. Tình trạng này dẫn tới công tác quản lý đất đai trở nên hết sức khó khăn, phức tạp và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Bởi vậy, việc triển khai Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn toàn tỉnh” rất cần thiết đối với địa phương.

Chu Quốc Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm