Lâm Đồng còn 1,32 % số hộ nghèo

Nhiều hội viên phụ nữ tại huyện Đam Rông đưa mô hình trồng dâu nuôi tằm vào sản xuất để phát triển kinh tế. Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN
Nhiều hội viên phụ nữ tại huyện Đam Rông đưa mô hình trồng dâu nuôi tằm vào sản xuất để phát triển kinh tế. Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có quyết định, phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020 trên địa bàn. Theo đó, toàn tỉnh còn 4.488 hộ nghèo, chiếm 1,32% số hộ trong tỉnh.

Lâm Đồng còn 1,32 % số hộ nghèo ảnh 1Nhiều hội viên phụ nữ tại huyện Đam Rông đưa mô hình trồng dâu nuôi tằm vào sản xuất để phát triển kinh tế. Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN

Cụ thể, tại Quyết định số 983/QĐ-UBND ngày 20/4/2021, ông Đặng Trí Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020. Theo đó số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 2.793 hộ, chiếm 3,58% hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Trong số đó, hộ nghèo về thu nhập là 3.794 hộ, chiếm 84,54%; hộ nghèo do thiếu hụt các dịch vụ cơ bản là 694 hộ, chiếm trên 15% sô hộ nghèo toàn tỉnh.

Cũng theo thống kê này, tổng số hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn 11.390 hộ, chiếm 3,34% số hộ toàn tỉnh. Trong đó hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số là 6.728 hộ, chiếm 8,63% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Huyện Đam Rông được thống kê là huyện có số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo đông nhất với 1.083 hộ nghèo, chiếm gần 1/4 số hộ nghèo toàn tỉnh và 7,46% số hộ của huyện; số hộ cận nghèo cũng lên tới 2.861, chiếm trên 1/4 hộ cận nghèo của toàn tỉnh, trên 22% số hộ của huyện. Đam Rông là huyện được thành lập sau cùng của tỉnh Lâm Đồng (tháng 11/2004), trên cơ sở tách 5 xã của huyện Lâm Hà và 3 xã của huyện Lạc Dương. Đây là huyện có số lượng người di cư ngoài kế hoạch từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến đông nhất của tỉnh Lâm Đồng, chủ yếu là người dân tộc thiểu số.

Sau Đam Rông là huyện Di Linh với 1.039 hộ nghèo và 1.718 hộ cận nghèo. Tuy nhiên do Di Linh có dân số đông gấp gần 3 lần huyện Đam Rông, do đó tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chỉ chiếm lần lượt là 2,49 % và 4,12% họ với số hộ của huyện. Thành phố Đà Lạt là địa phương duy nhất không còn hộ nghèo, chỉ còn 7 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0.01%. Thành phố Bảo Lộc còn 224 hộ nghèo và 610 hộ cận nghèo.

Năm 2020, Lâm Đồng đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh còn dưới 1,9%, riêng đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 4,8%. Huyện Đam Rông sẽ thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo để cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo; bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015.

Từ các nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư cho chương trình xóa đói giảm nghèo. Địa phương đã tạo điều kiện cho nông dân vay vốn sản xuất, hỗ trợ cung cấp giống cây trồng vật nuôi. Các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Các huyện, thành phố cân đối nguồn lực mở rộng địa bàn, hộ nghèo được hỗ trợ sản xuất, việc làm, hướng dẫn cách làm ăn, dạy nghề... để hộ nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo…

Chu Quốc Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm