Các bản tái định cư được đầu tư nhà ở, cơ sở hạ tầng khang trang, kiên cố. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN |
Công trình thủy điện Bản Chát (công suất 740 MW), công trình Huổi Quảng (công suất 520 MW) được đầu tư, xây dựng trên địa bàn huyện Than Uyên từ năm 2006. Công trình thủy điện Bản Chát đã hoàn thành và phát điện vào cuối năm 2015, quý 2/2016 thì thủy điện Huổi Quảng phát điện.
Để có được kết quả này, đã có gần 3.137 hộ và gần 20.000 nhân khẩu thuộc các huyện Than Uyên, Tân Uyên phải tái định cư nhường chỗ ở cho việc xây dựng công trình.
Tỉnh Lai Châu đã huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất và an sinh xã hội.
Từ các chính sách hỗ trợ, nhân dân tái định cư xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu) phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN |
Theo đó, huyện Than Uyên hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất với việc nâng hệ số sử dụng đất từ 1 vụ lên 2 vụ tổng diện tích 58 ha. Tận dụng diện tích lòng hồ thủy điện, mở rộng, hỗ trợ người dân tái định về giống, kỹ thuật nuôi cá lồng; đến nay có tổng số 194 lồng.
Đặc biệt, bà con đồng bào dân tộc thiểu số tái vùng tái định cư được hỗ trợ chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; khai hoang và trồng cây lâu năm trên diện tích đất bỏ hoang lâu năm; đất canh tác hoa màu (ngô, sắn) kém hiệu quả sang trồng chè, quế, mắc ca, sơn tra. Bên cạnh đó, chuyển từ cơ cấu giống lúa lai sang sản xuất lúa thuần chất lượng, lúa đặc sản gắn với tạo dựng thương hiệu sản phẩm địa phương.
Huyện Than Uyên có 827 ha chè; trong đó 775 ha chè trồng mới; 702 quế, 152,75 ha mắc ca; tạo dựng nhãn hiệu gạo Séng Cù với diện tích 140 ha/vụ; cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả như: ổi, bưởi da xanh, mít Thái… Từ đó, tăng hiệu quả sản xuất cho người dân nói chung và bà con tái định cư nói riêng.
Tại các vùng tái định cư, người dân được hỗ trợ chuyển đổi phương thức chăn nuôi gia súc với các loại giống vật nuôi như: chăn nuôi lợn, thủy cầm, thủy sản có giá trị kinh tế cao theo hướng bán công nghiệp, chuyển từ chăn thả tự do sang bán công nghiệp có kiểm soát…
Ngoài ra, để cơ giới hóa trong sản xuất và nâng cao hiệu suất lao động, huyện Than Uyên đã tập trung hỗ trợ các nguồn lực, vận dụng linh hoạt các chính sách được đầu tư đẩy mạnh hỗ trợ các loại máy móc phục vụ trồng trọt, chăn nuôi.
Hơn nữa, huyện còn hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng và sản xuất nông, lâm kết hợp với việc điều chỉnh lại diện tích khoán chăm sóc bảo vệ rừng tự nhiên, để các hộ tái định cư được hưởng lợi từ kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Đến nay huyện thực hiện hỗ trợ 74.844 lượt với tổng số tiền gần 69 tỷ đồng; hỗ trợ gần 17 tỷ đồng để bà con khai hoang, cải tạo 1.410 ha đất chưa sử dụng để trồng quế, chè, sơn tra.
Chủ tịch UBND huyện Than Uyên Hoàng Văn Hiêng cho biết, huyện thực hiện vốn hỗ trợ có mục tiêu ngân sách Trung ương là trên 102 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách gần 47,6 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ 38,3 tỷ đồng, các nguồn vốn khác 95 tỷ đồng…
Từ các nguồn vốn, huyện chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ sản xuất, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội; từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng tái định cư”.
Ngoài ra, huyện Than Uyên cũng chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe người dân; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng tái định cư.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên tổ chức tại các điểm tái định cư của huyện Than Uyên (Lai Châu). Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN |
Đáng lưu ý, từ năm 2016 đến nay, huyện hỗ trợ học sinh vùng tái định cư học tập, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học trên địa bàn các xã tái định cư với tổng số 23 trường, 456 lớp, 12.411 học sinh, 660 phòng học kiên cố.
Cùng với đó, mạng lưới y tế được củng cố đến bản tạo thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế. Đến nay, có 100% bản có quy ước, hương ước, 80% gia đình và 90% bản đạt chuẩn văn hóa.
Tà Hừa là một trong những xã của huyện Than Uyên thực hiện di dân tái định cư thủy điện Bản Chát với trên 52 hộ di chuyển về nơi ở mới tại bản Khì và bản Cáp Na 3. Đến nơi ở mới, bà con được xây dựng cơ sở hạ tầng đường, điện, trường, trạm, điện thắp sáng nâng cao chất lượng cuộc sống và vay vốn ưu đãi, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như: cây, con giống, phân bón để phát triển kinh tế.
Với sự quan tâm của huyện và chính quyền địa phương thực hiện tốt các chính sách, chương trình hỗ trợ đến nay đời sống người dân vùng tái định cư ngày càng ổn định.
Ghé thăm ngôi nhà sàn kiên cố, mái lợp tôn của gia đình chị Lò Thị Thêm, ở bản Cáp Na 3, xã Tà Hừa, huyện Than Uyên được hoàn thành từ sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua dự án di dân tái định cư thủy điện Bản Chát. Sau thời gian về nơi ở mới, cuộc sống của gia đình chị Thêm đã từng bước ổn định.
Chị Thêm tâm sự: “Về nơi ở mới, bà con được cấp đất ở, hỗ trợ khai hoang đất sản xuất, được hỗ trợ trồng chè, mắc ca. Hiện nay, gia đình yên tâm ổn định trên vùng đất mới”.
Ông Lê Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Tà Hừa cho biết, từ các nguồn lực Nhà nước, tỉnh, huyện, xã thực hiện hỗ trợ bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; bảo vệ và phát triển rừng; ổn định đời sống, cơ sở hạ tầng. Qua đó, tạo điều kiện để người dân có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Cũng như Tà Hừa, nhiều địa phương thuộc vùng tái định cư thủy điện Bản Chát, thủy điện Huổi Quảng của huyện Than Uyên thực hiện đồng bộ, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ của nhà nước như chính sách hỗ trợ về tín dụng, y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội.
Đặc biệt hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tạo thu nhập bền vững, ổn định cho bà con vùng tái định cư.
Việt Hoàng
TTXVN