Lai Châu nỗ lực xóa mù chữ trong đồng bào dân tộc thiểu số

Giáo viên hướng học viên viết chữ. Ảnh: Quý Trung – TTXVN
Giáo viên hướng học viên viết chữ. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Xác định xóa mù chữ là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực, tỉnh Lai Châu luôn quan tâm, chú trọng tới công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Lai Châu nỗ lực xóa mù chữ trong đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1Giáo viên hướng học viên viết chữ. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Tam Đường là huyện miền núi của tỉnh với hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do điều điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng nên ở các thôn bản vùng cao, vùng sâu vẫn còn nhiều người chưa biết chữ. Huyện Tam Đường đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ ra lớp học; đồng thời củng cố hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng để tổ chức các lớp xóa mù chữ.

Lai Châu nỗ lực xóa mù chữ trong đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 2Các học viên tập viết chữ tại lớp xóa mù chữ tại bản Pho Lao Chải, xã Tả Lèng (Tam Đường, Lai Châu). Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Tại điểm Trường Mầm non ở bản Pho Lao Chải, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường vào mỗi tối, phụ nữ trong bản hồ hởi tới lớp học chữ. Chị Ma Thị Ly khi còn nhỏ do nhà nghèo không được đi học. Lớn lên, chị lại là lao động chính trong gia đình, ở nhà làm nương giúp bố mẹ nuôi các em. Việc được đến trường học chữ là mơ ước bấy lâu nay của chị. Chị Ma Thị Ly chia sẻ, gần 30 tuổi, mình chưa được đến trường. Khi biết xã tổ chức lớp xóa mù chữ, mình rất vui và đăng ký ngay. Chăm chỉ học tập, đến nay, mình đã biết viết chữ và đọc thông thạo.

Lai Châu nỗ lực xóa mù chữ trong đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 3Học viên đọc sách tiếng Việt lớp 2. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Chị Hảng Thị Phê hàng ngày đi làm nương, tranh thủ buổi tối đến lớp học chữ. Sau hơn một tháng học, giờ chị đã biết đọc được, biết viết.

Lớp học xóa mù chữ tại bản Pho Lao Chải có 100% học viên là phụ nữ đồng bào dân tộc Mông theo học. Các học viên đều rất tích cực học tập, nghiêm túc tiếp thu bài giảng và thảo luận sôi nổi. Đến nay, lớp học đã hoàn thành chương trình lớp 2 ở mức độ 1. Các học viên đã đọc thông, viết thạo, biết làm phép tính cộng trừ, nhân chia.

Lai Châu nỗ lực xóa mù chữ trong đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 4Giáo viên dạy chữ cho các học viên. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Phần lớn các học viên tham gia lớp xóa mù chữ đều là nông dân, quanh năm vất vả với công việc đồng áng, mùa vụ, khi tham gia các lớp học xóa mù chữ, họ càng trở nên bận rộn hơn. Do đó, để thu hút học viên đến lớp và học viên tiếp thu bài học tốt, giáo viên phải linh hoạt các phương pháp dạy học, thường xuyên sử dụng tiếng đồng bào kết hợp tiếng phổ thông để đặt những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ; xây dựng các học liệu, đồ dùng trực quan phù hợp với người học; gắn nội dung dạy học với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Lai Châu nỗ lực xóa mù chữ trong đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 5Học viên đọc đoạn văn ngắn trong sách tiếng Việt lớp 2. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Cô giáo Ngô Lệ Thúy là giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tả Lèng. Công tác ở xã Tả Lèng đã lâu, cô hiểu văn hóa và tiếng địa phương. Trong quá trình giảng dạy, để các chị dễ hiểu, cô kết hợp tiếng phổ thông và tiếng đồng bào. Đến nay, hầu hết học viên đã biết đọc, biết viết.

Lai Châu nỗ lực xóa mù chữ trong đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 6Học viên viết những nét chữ tại lớp xóa mù chữ. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Ông Hảng A Lử, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Lèng, huyện Tam Đường cho biết, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, HĐND, UBND xã. Từ năm 2018 đến nay, được sự hỗ trợ từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, xã có chủ trương hàng năm mở từ 1 - 3 lớp xóa mù chữ. Sau khi học chữ bà con đã biết đọc, biết viết, trình độ nhận thức được nâng lên, nhiều hộ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Lai Châu nỗ lực xóa mù chữ trong đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 7Giáo viên hướng dẫn học viên đánh vần tiếng Việt lớp 2 tại lớp xóa mù chữ. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tam Đường, năm học 2022 - 2023, toàn huyện mở được 17 lớp xóa mù chữ với 356 học viên tham gia, góp phần nâng cao trình độ dân trí, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được truyền tải đến người dân một cách đầy đủ và chính xác, giúp đồng bào tự tin hơn trong cuộc sống, không bị kẻ xấu lợi dụng và từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh tế hộ gia đình.

Với gần 85% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỉnh Lai Châu đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ ra lớp học. Tỉnh ban hành nhiều nghị quyết về nâng cao chất lượng giáo dục và các chế độ hỗ trợ học sinh bán trú; hỗ trợ mở các lớp phổ cập giáo dục xóa mù chữ vùng đặc biệt khó khăn (học viên không phải đóng học phí, hỗ trợ sách, bút cho học viên trong suốt thời gian học); tập trung đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, phổ cập giáo dục - xóa mù chữ.

Lai Châu nỗ lực xóa mù chữ trong đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 8Giáo viên hướng dẫn học viên viết chữ tiếng phổ thông trong sách tiếng Việt tại lớp xóa mù chữ. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Ngoài ra, hàng năm, tỉnh tổ chức điều tra, rà soát người mù chữ trên địa bàn 2 lần/năm; cập nhật chính xác dữ liệu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên hệ thống thông tin phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, chính xác theo quy định. Theo đó, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có 5.176 người tham gia học chương trình xóa mù chữ (trong đó có 3.314 người học lớp xóa mù chữ giai đoạn 1 và 1.862 người học lớp xóa mù chữ giai đoạn 2); 1.359 người được công nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ (1.051 người được công nhận hoàn thành giai đoạn 1, 308 người được công nhận hoàn thành giai đoạn 2). Số người biết chữ trong độ tuổi 15 - 60 là 274.606 người đạt 93,9%; số người mù chữ hiện còn 17.864 người.

Thời gian tới, Lai Châu tiếp tục xác định công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và rất khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường và của cả người học. Từ đó, góp khoảng cách mặt bằng dân trí giữa các vùng dần được thu hẹp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn.

Việt Hoàng - Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm