Để thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, thành phố Cần Thơ đã huy động, tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong việc giải quyết và tận dụng nguồn nhân lực cho sự phát triển của địa phương vừa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, vừa nâng cao trình độ dân trí, tạo điều kiện và cơ hội cho một bộ phận thanh thiếu niên tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ cho thấy, năm 2022, tỷ lệ phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi của thành phố đạt 100%, mức độ 3 ở bậc Tiểu học và Trung học Cơ sở, mức độ 2 về xóa mù chữ. Năm 2023, thành phố đặt mục tiêu có 76% thanh, thiếu niên từ 18 - 21 tuổi có bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Trung cấp chuyên nghiệp. Để đạt được kết quả này, toàn ngành đã và sẽ tập trung mọi nguồn lực cho công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ, Phó Ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập - Xóa mù chữ - Phổ cập giáo dục cho biết, năm 2023, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp sẽ cụ thể hóa các nhiệm vụ có liên quan công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ vào các nghị quyết, chương trình công tác hàng năm; xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trong việc thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh rà soát, cập nhật các số liệu; thực hiện các biểu mẫu thống kê tổng hợp, hoàn thành các loại hồ sơ chuyên môn về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm đối với kết quả thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Ngành Giáo dục sẽ huy động các nguồn lực để tăng cường trang thiết bị, đồ dùng dạy học, thực hiện có hiệu quả đổi mới chương trình giáo dục phổ thông để nâng cao chất lượng giảng dạy trong các nhà trường. Trên cơ sở nghiên cứu thực địa, ngành sẽ tham mưu lãnh đạo thành phố xây dựng trường Trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở ở các xã, phường chưa có trường; mở rộng mạng lưới trường lớp cấp Trung học Phổ thông, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các Trung tâm giáo dục thường xuyên, hoàn thiện các Trung tâm giáo dục cộng đồng, trong đó tập trung xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các cấp học. Ngành sẽ điều phối, phân công đủ cán bộ quản lý, giáo viên phụ trách công tác phổ cập giáo dục tại các cơ sở giáo dục, xã, phường, thị trấn.
Để công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đạt hiệu quả tối ưu, lãnh đạo ngành đã chỉ đạo giám đốc các trung tâm học tập cộng đồng xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm làm cơ sở xem xét, đánh giá kết quả hoạt động cuối năm. Kết hoạch phải cụ thể nội dung công việc, thời gian thực hiện, công tác phối hợp, nguồn lực thực hiện... Phòng Giáo dục và Đào tạo tăng cường tham mưu UBND cử giáo viên Tiểu học hoặc Trung học Cơ sở sang làm việc tại trung tâm học tập cộng đồng (đảm bảo tối thiểu mỗi trung tâm học tập cộng đồng có một giáo viên sang làm việc). Đồng thời, các ban, ngành, đoàn thể các cấp cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố để phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở địa phương.
Là quận trung tâm, Ninh Kiều hiện có 74 trường Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở; trong đó có 55 trường công lập, 19 trường Mầm non tư thục. Để công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đi vào chiều sâu, cô Trần Thị Thúy Hằng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ninh Kiều cho biết, quận chú trọng đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; song song đó là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đủ về số lượng, vững về chất lượng, có năng lực và trình độ chuyên môn vững vàng để đáp ứng yêu cầu cải tiến phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Địa phương đang xây dựng thêm Trường Trung học Cơ sở An Bình, dự kiến đưa vào sử dụng năm học 2024 - 2025; một trường Tiểu học tại phường An Bình và một trường có nhiều cấp học tại Cồn Khương, phường Cái Khế nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong quận.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện các dự án nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư vốn ngân sách Nhà nước trên 193,8 tỷ đồng gồm: dự án Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lý Tự Trọng (trên 79,9 tỷ đồng), dự án Trường Dạy trẻ khuyết tật (trên 8,8 tỷ đồng), dự án Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Tân Lộc (trên 39,9 tỷ đồng), dự án Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Thới Thuận (trên 39,9 tỷ đồng), Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (trên 24,9 tỷ đồng).
Toàn thành phố hiện có 5.366 phòng học các cấp Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông; trong đó, số phòng học kiên cố đạt 91,37%. Ngành Giáo dục thành phố cùng các quận, huyện đang tập trung mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; đồng thời, thực hiện rà soát lại danh mục thiết bị dạy học tối thiểu được trang bị trong các lớp để mua sắm bổ sung. Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục chủ động điều chỉnh, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng học, phòng thực hành sẵn có đáp ứng tốt cho hoạt động dạy và học trong thời kỳ mới.
Ánh Tuyết