Thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2022, tỉnh Lai Châu phấn đấu trồng 2.000 ha diện tích rừng và 1.400 ha cây mắc ca. Đến nay, các huyện đã phê duyệt xong hồ sơ thiết kế kỹ thuật trồng rừng với diện tích 2.509 ha.
Tỉnh đã thực hiện trồng được hơn 700 ha rừng; trong đó rừng phòng hộ hơn 40 ha, rừng sản xuất gần 700 ha, đạt 36% so với kế hoạch năm.
Cùng với đó, Lai Châu đã chuẩn bị được trên 6,7 triệu cây giống các loại như quế, thông mã vĩ, lát, sơn tra, giổi xanh, sa mộc; phát dọn thực bì gần 2.200 ha, cuốc hố được trên 1.600 ha. Đối với cây mắc ca thực hiện làm đất, phát dọn thực bì được hơn 1.100 ha, trồng mới hơn 140 ha.
Tại huyện Tân Uyên, năm 2022 UBND tỉnh Lai Châu giao chỉ tiêu trồng 550 ha rừng, huyện phấn đấu trồng 641 ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Đến ngày 21/7, huyện đã trồng được hơn 107 ha rừng, đạt 19,5% kế hoạch tỉnh giao và 16,6% chỉ tiêu huyện phấn đấu.
Anh Mai Hồng Hạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Uyên cho biết, nhằm đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, Ban Quản lý rừng đã chủ động phối hợp với các xã, thị trấn vận động, tuyên truyền bà con thực hiện trồng rừng vào tháng 6-7.
Cùng đó, Ban thường xuyên cử cán bộ địa bàn xuống hướng dẫn bà con phát dọn thực bì, cuốc hố và kỹ thuật trồng. Đối với diện tích đã trồng, thường xuyên cử cán bộ kiểm tra cây, nếu cây nào chết, vận động bà con mua cây về dặm.
Tuy nhiên, theo kế hoạch đến 31/7/2022 sẽ kết thúc mùa trồng rừng, nhưng hiện nay do thời tiết trên địa bàn nắng nóng bà con tạm thời dừng trồng, dự kiến đến hết tháng 8 huyện mới hoàn thành kế hoạch trồng rừng. Thời gian tới, Ban Quản lý tiếp tục phân công cán bộ địa bàn xuống các xã, thị trấn vận động bà con thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để tiếp tục trồng rừng cho phù hợp, đảm bảo cây đạt tỷ lệ sống cao.
Tại huyện Than Uyên, năm 2022 huyện thực hiện trồng mới 100 ha cây quế và 50 ha cây gỗ lớn theo kế hoạch. Theo anh Lò Thanh Tùng, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Than Uyên, để hoàn thành kế hoạch trồng rừng, ngay từ đầu năm nay, Ban Quản lý rừng đã tổ chức phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn hướng dẫn kỹ thuật trồng quế và cây gỗ lớn; hướng dẫn các hộ nhận khoán thực hiện tốt công tác trồng dặm, trồng bổ sung, bảo vệ và chăm sóc diện tích rừng đã trồng các năm.
Đồng thời, tham mưu cho UBND huyện thành lập tổ nghiệm thu các công đoạn trồng rừng năm 2022, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, tổng hợp báo cáo tiến độ các công đoạn trồng rừng và công tác chăm sóc, bảo vệ rừng trồng theo định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nghiệm thu kết quả các công đoạn chuẩn bị trồng rừng, cấp phát giống và nghiệm thu kết quả trồng rừng mới năm 2022, báo cáo kết quả trồng rừng và thanh toán vốn hỗ trợ theo quy định.
Đến nay, huyện Than Uyên trồng được hơn 16 ha quế và 5,6 ha cây gỗ lớn. Năm nay tiến độ trồng rừng chậm hơn so với mọi năm bởi từ tháng 3 thời tiết mưa nhiều kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ phát dọn thực bì và cuốc hố; cùng với nguồn nhân lực thực hiện trồng rừng còn thiếu do đi làm ăn xa.
Khi đến thời điểm trồng rừng thì nắng nóng liên tục nên người dân chưa trồng được, ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng. Huyện dự kiến trong tháng 8 sẽ trồng xong diện tích theo kế hoạch năm.
Tỉnh Lai Châu hiện có hơn 480.000 ha diện tích rừng, rừng trồng chưa thành rừng và diện tích cây cao su; tỷ lệ che phủ rừng đạt 51%.
Ông Nguyễn Văn Biển, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lai Châu cho hay, khác với các tỉnh lân cận, mùa trồng rừng của Lai Châu không tập trung vào mùa Xuân sau Tết Nguyên đán mà trồng vào thời gian từ 15/6 đến 31/7 hàng năm.
Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch trồng rừng năm 2022, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch vốn; thiết lập các vườn ươm đảm bảo số lượng cây con đủ tiêu chuẩn trồng rừng; tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng trồng cho nhân dân trước thời vụ.
Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm Lai Châu phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền phổ biến sâu rộng về chính sách và lợi ích trồng rừng đến người dân; tổ chức rà soát, thống kê diện tích để xây dựng kế hoạch trồng rừng của năm.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ nguồn cây giống lâm nghiệp trên địa bàn, không để tình trạng vận chuyển cây giống không có nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vào tiêu thụ trên địa bàn tỉnh; vận động người dân theo dõi thời tiết thuận lợi tập trung trồng rừng sớm hoàn thành kế hoạch.
Mặt khác, Chi cục Kiểm lâm Lai Châu thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở để kiểm tra, phát hiện và tháo gỡ khó khăn cho người dân để có phương án phù hợp đẩy nhanh tiến độ trồng rừng. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng rừng trồng trên địa bàn.
Tuy nhiên, công tác trồng rừng của Lai Châu năm nay gặp nhiều khó khăn như mùa trồng rừng trùng với thời gian vào vụ cấy nên bà con nhân dân không tập trung trồng được; do biến đổi khí hậu thời tiết diễn biến thất thường nắng nóng kéo dài nên ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng. Do vậy, mùa vụ trồng rừng năm nay dự kiến sẽ kéo dài tới hết tháng 8.
Cùng với việc trồng rừng, Chi cục Kiểm lâm Lai Châu còn đẩy mạnh tuyên truyền người dân về công tác bảo vệ, chăm sóc rừng. Nhiều năm nay, người trồng rừng ở Lai Châu đã nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo nhờ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Cùng với việc nâng cao thu nhập, công tác trồng rừng còn góp phần giữ màu xanh cho những cánh rừng và thúc đẩy phong trào trồng rừng phát triển mạnh ở các địa phương trong tỉnh.
Việt Hoàng