Lai Châu chủ động phòng, chống bệnh lúc giao mùa

Lượng bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Than Uyên tăng từ 20 lên đến trên 30 bệnh nhi. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN
Lượng bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Than Uyên tăng từ 20 lên đến trên 30 bệnh nhi. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Trước tình hình thời tiết thay đổi thất thường, một số bệnh liên quan đến đường hô hấp đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân nhất là trẻ em và người già do sức đề kháng kém. Chính vì vậy, cùng với công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngành Y tế Lai Châu đang chủ động tăng cường các biện pháp phòng bệnh vào thời điểm giao mùa.

Lai Châu chủ động phòng, chống bệnh lúc giao mùa ảnh 1Bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Than Uyên khám cho bệnh nhân. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Ghi nhận tại Khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Than Uyên (Lai Châu), thời điểm này số lượng bệnh nhi điều trị ở khoa tăng cao hơn so với trước. Trung bình tuần qua có gần 200 bệnh nhi nhập viện điều trị với các bệnh thường mắc như: viêm phổi, viêm họng, viêm phế quản, cúm mùa và một số trường hợp mắc tay chân miệng, tiêu chảy.

Bác sỹ Vũ Xuân Bắc, Phụ trách Khoa Nhi cho biết, thời điểm giao mùa là lúc thời tiết thay đổi đột ngột cả về nhiệt độ, độ ẩm, yếu tố này tạo điều kiện cho các vi khuẩn, vi rút phát triển, khiến trẻ nhỏ dễ nhiễm các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Có những trẻ trong vòng một tháng phải nhập viện 2-3 lần do bị viêm đường hô hấp. Do vậy, số lượng trẻ điều trị tại khoa tăng đáng kể. Thời điểm trước, một ngày khoa điều trị cho dưới 20 bệnh nhi, nhưng hiện nay lượng bệnh nhi điều trị nội trú tăng lên 30-35 bệnh nhi.

Lai Châu chủ động phòng, chống bệnh lúc giao mùa ảnh 2Người dân đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Than Uyên. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Đưa con gái 20 tháng tuổi đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Than Uyên, chị Lò Thị Vấn, ở bản Đun 1, xã Tà Mung, huyện Than Uyên chia sẻ: Cháu nhập viện tại Khoa Nhi với các triệu chứng sốt nhẹ, ho, khó thở, quấy khóc nhiều về đêm. Sau khi khám, bác sỹ kết luận cháu bị viêm họng. Qua 5 ngày điều trị, được sự quan tâm của các y bác sỹ, tình trạng sức khỏe của cháu đã dần ổn định, khoảng 2-3 ngày nữa cháu được xuất viện.

Tại Khoa Nội tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Than Uyên lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa cũng tăng so với trước. Trước thời điểm giao mùa, một ngày khoa điều trị dưới 20 người, giờ tăng 25-30 người điều trị.

Lai Châu chủ động phòng, chống bệnh lúc giao mùa ảnh 3Thời điểm giao mùa tần suất bệnh nhân mắc các bệnh về phổi vào viện điều trị tăng 2-3 lần so với lúc bình thường. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Ông Thào A Ly, ở bản Hua Than, xã Mường Than, huyện Than Uyên bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đã nhiều năm nay, do thời tiết thay đổi bệnh trở nên nặng hơn. Ông được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Than Uyên nằm điều trị 5 ngày. Đến nay, ông không còn thấy khó thở và ho như trước nữa, sức khỏe dần ổn định hơn.

Bác sỹ Phạm Thanh Tùng, Phó trưởng Khoa Nội tổng hợp cho hay, thời điểm này bước sang mùa Đông các bệnh phổ biến dễ mắc và đang điều trị chủ yếu ở khoa gồm bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD, viêm phổi do vi khuẩn, bệnh về đường tiêu hóa, viêm loét dạ dày, tá tràng. Vào mùa này, một bệnh nhân có thể một tháng vào viện điều trị 2 lần, tần suất cao 2-3 lần so với lúc bình thường. Để chủ động phòng, chống các bệnh trong lúc giao mùa, bác sỹ Tùng khuyến cáo người dân giữ ấm cơ thể, có thuốc dự phòng ở nhà. Đặc biệt, bệnh nhân kiêng chất kích thích, bổ sung dinh dưỡng trong chế độ ăn uống, người già nên ăn thức ăn lỏng, mềm, ăn chín uống sôi để nâng cao sức đề kháng.

Lai Châu chủ động phòng, chống bệnh lúc giao mùa ảnh 4Bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Than Uyên khám cho bệnh nhân. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Theo Sở Y tế tỉnh Lai Châu, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận một ổ dịch COVID-19 tại xã Bản Giang, huyện Tam Đường với 19 F0. Ngoài ra, không có dịch bệnh lớn xảy ra, tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ. Đến nay, Lai Châu chỉ xuất hiện một vài ca bệnh thông thường rải rác như: tay chân miệng với 26 trường hợp, 84 trường hợp sốt rét có ký sinh trùng thể Vivax, một trường hợp nghi sốt xuất huyết, 15 trường hợp sốt phát ban nghi sởi...

Để giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh, ngành Y tế Lai Châu đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh với nhiều hình thức. Mặt khác, ngay từ đầu năm, Sở đã yêu cầu các địa phương chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh phát sinh theo mùa; tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, nhất là các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm mùa, sởi, ho gà, thủy đậu, tay chân miệng...

Lai Châu chủ động phòng, chống bệnh lúc giao mùa ảnh 5Lượng bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Than Uyên tăng từ 20 lên đến trên 30 bệnh nhi. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Đối với từng khoa, phòng điều trị tại các cơ sở y tế phải giám sát, báo cáo đầy đủ tình hình, tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; thực hiện phân luồng khám bệnh, thiết lập khu vực cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm để hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Theo ông Nguyễn Thế Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế Lai Châu, biện pháp phòng, chống dịch bệnh lâu dài và hiệu quả là tiêm vaccine phòng bệnh. Vì vậy, người dân cần chủ động tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine hiện có tại các cơ sở y tế, bởi không chỉ trẻ nhỏ, người lớn, nhất là phụ nữ trước khi mang thai nên tiêm phòng bệnh như cúm, sởi, rubella, thủy đậu.

Cùng đó, người dân cần vệ sinh sạch sẽ nơi ở từ 1 - 2 lần/ngày; thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo dinh dưỡng; giữ ấm cơ thể khi đi đường và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn. Người dân chủ động theo dõi sức khỏe, khi có các biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở nên đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khỏe, điều trị kịp thời.

Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm