Lai Châu bảo vệ đàn gia súc giảm thiệt hại do rét đậm, rét hại

Lai Châu bảo vệ đàn gia súc giảm thiệt hại do rét đậm, rét hại

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm rét hại có thể kéo dài trong những ngày tới, khiến nhiệt độ giảm sâu, để chủ động phòng, chống đói rét cho đàn gia súc, tỉnh Lai Châu đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tối đa thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.

Lai Châu bảo vệ đàn gia súc giảm thiệt hại do rét đậm, rét hại ảnh 1Người dân xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ quây bạt che chắn cho đàn gia súc nhằm giảm thiểu thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Huyện vùng cao biên giới Sìn Hồ (Lai Châu) nằm ở độ cao hơn 1.600 mét so với mực nước biển. Với địa hình núi đá cao, nơi đây thường có nền nhiệt độ thấp nhất so với các huyện khác của tỉnh. Những ngày qua, huyện Sìn Hồ sương mù bao trùm khắp các bản, làng, nhiều nơi nền nhiệt dao động từ 4 - 7 độ C gây rét đậm rét hại.

Sìn Hồ là huyện có nhiều hộ gia đình chăn nuôi gia súc phát triển kinh tế, toàn huyện có gần 70.000 con gia súc. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh và đói rét cho đàn gia súc, huyện Sìn Hồ đã và đang triển khai nhiều giải pháp như: tuyên truyền nhân dân tu sửa chuồng, trại chăn nuôi; vận động người dân không thả rông gia súc, lên rừng đưa gia súc về nhốt hoặc di chuyển gia súc từ vùng núi cao xuống vùng thấp.

Lai Châu bảo vệ đàn gia súc giảm thiệt hại do rét đậm, rét hại ảnh 2 Người dân xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đưa đàn gia súc về nhốt tại nhà tránh rét trong những ngày nhiệt độ xuống thấp. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Đồng thời, huyện Sìn Hồ còn cử cán bộ xuống các thôn, bản tuyên truyền, vận động người dân không được chăn thả rông gia súc khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C. Khi nhiệt độ tăng cao mới chăn thả và tranh thủ khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra tình hình dịch bệnh cho gia súc để kịp thời phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh.

Ông Nguyễn Duy Giang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sìn Hồ cho biết, trung tâm đã chỉ đạo xuống các xã và hướng dẫn cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, hướng dẫn kiểm tra việc phòng chống đói rét cho gia súc, cây trồng vật nuôi trên địa bàn. Đồng thời, tích trữ thức ăn từ các phụ phẩm nông nghiệp như cây chuối, ngô để dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông.

Nhiều gia đình nơi đây khi được huyện, xã tuyên truyền và hướng dẫn chăm sóc cho đàn gia súc đã chủ động đưa đàn gia súc về chuồng nuôi nhốt và che chắn cẩn thận khi nhiệt độ xuống thấp. Người dân cũng tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp và pha thêm thức ăn có hàm lượng tinh bột cao cho đàn gia súc ăn, chuẩn bị thêm củi và trấu để sưởi ấm cho gia súc khi nhiệt độ xuống quá thấp để giảm thiệt hại trong chăn nuôi.

Anh Sing A Súa, bản Lao Lử Đề, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ chia sẻ, được sự tuyên truyền, gia đình anh đã làm chuồng trại để nhốt trâu và đóng thùng đựng thức ăn cho gia súc. Vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, anh Súa thường đun nước nóng cho gia súc uống, anh cũng chủ động mua cám về dự trữ và thường xuyên đi cắt cỏ về cho trâu ăn, tăng sức đề kháng chống chọi với mùa đông giá rét.

Lai Châu bảo vệ đàn gia súc giảm thiệt hại do rét đậm, rét hại ảnh 3Người dân xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ cắt cỏ tươi cho đàn gia súc đảm bảo không bị đói rét, phòng chống dịch bệnh trong những ngày thời tiết khắc nhiệt. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Huyện Tam Đường (Lai Châu) trong những ngày qua, nhiệt độ cũng giảm sâu, sương mù dày đặc bao phủ vào đêm và sáng sớm. Toàn huyện hiện có hơn 30.000 con gia súc; trong đó, hơn 7.000 con trâu, 200 con bò còn lại là ngựa và lợn. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường cho hay, nhằm bảo vệ đàn vật nuôi, huyện đã tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống đói rét cho gia súc tới từng thôn, bản của huyện; trong đó, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động dự trữ các loại thức ăn tinh như ngô, cám gạo, sắn…. Đặc biệt, đôn đốc hướng dẫn nhân dân không đốt rơm, rạ sau khi thu hoạch, tranh thủ những ngày nắng thu rơm, rạ và các loại cỏ để phơi khô, bảo quản. Tận dụng thân cây ngô, lạc, ngọn lá mía, bã mía, cỏ để ủ chua, ủ men vi sinh; chăm sóc, nuôi dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi. 

Toàn tỉnh Lai Châu hiện có hơn 304.000 con gia súc, nhằm bảo vệ đàn gia súc trước tình hình rét đậm rét hại, UBND tỉnh Lai Châu đã yêu cầu các huyện, thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tăng cường kiểm tra, chủ động phối hợp để phân công, bố trí cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra việc triển khai phòng, chống đói rét cho gia súc và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vật nuôi chết do đói, rét, dịch bệnh mà nguyên nhân chính do chủ quan lơ là hoặc chỉ đạo triển khai không nghiêm túc, thiếu quyết liệt.

Việt Hoàng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm