Kỳ thú vườn cò Bằng Lăng

Kỳ thú vườn cò Bằng Lăng

Vườn cò Bằng Lăng là tài sản của ông Nguyễn Ngọc Thuyền.
Vườn cò Bằng Lăng là tài sản của ông Nguyễn Ngọc Thuyền.

Đường vào vườn cò Bằng Lăng xanh mượt bóng tre, trúc, tầm vông, ô môi xen lẫn những âm thanh ríu rít phát ra từ hàng vạn chú cò đang đùa giỡn trên các cành cao sẽ khiến du khách có cảm giác thật nhẹ nhàng, thư thái. Vườn cò Bằng Lăng là tài sản của ông Nguyễn Ngọc Thuyền (72 tuổi). Đây là nơi quần tụ, sinh sống của rất nhiều loại cò và các loại động vật cùng họ với cò, thu hút rất đông du khách đến tham quan và nhiều nhà nghiên cứu động vật đến tìm hiểu.
 
Cò đang đậu trên cành cây trong vườn cò Bằng Lăng...
Cò đang đậu trên cành cây trong vườn cò Bằng Lăng...

Theo lời kể của ông chủ vườn cò Nguyễn Ngọc Thuyền, năm 1983 cò bắt đầu xuất hiện trong vườn với hàng trăm con đến làm tổ rồi kéo nhau đi mất. Năm sau chúng quay về với số lượng hàng chục nghìn con và bắt đầu “cát cứ”, sinh sản cho đến nay. Đến năm 1987, tỉnh Cần Thơ (cũ) đã quy hoạch vườn cò Bằng Lăng là điểm du lịch thiên nhiên của địa phương. Ban đầu diện tích vườn cò khoảng 15.000 m2, dần dần cò đến sinh sống đông đúc dẫn đến tình trạng “quá tải”, ông Thuyền đã mở rộng diện tích vườn cò lên trên 22.000 m2.
 
Hiện nay, vườn cò là nơi sinh sống của trên 300.000 con cò gồm các loại như: cò cá, cò ruồi, ngà, sen, quắm, xám, lao, ma… và 350.000 con cùng họ với cò như: vạc, cồng cộc, bạc má…
Đến vườn cò Bằng Lăng, du khách sẽ được tìm hiểu về tập quán, đặc tính của loài cò như: cò thích làm tổ trên các loại cây như tre, tầm vông, me nước vì thông thoáng, dễ làm tổ, có nhiều gió.

Chúng thường tập trung nhiều nhất vào khoảng tháng 8 đến tháng 2 âm lịch năm sau để sinh nở, sau đó di trú sang địa phương khác khoảng 6 tháng rồi lại quay về chốn cũ. Có nhiều tập quán của loài cò rất lạ, lý thú như: vỏ trứng cò rất mỏng nên chúng làm tổ ở những nơi có gió để chống nóng; cò cha có nhiệm vụ dẫn dụ cò con rời khỏi tổ sau khi sinh và tập cho con bay lượn đến khi thuần thục; những con lạ đến giành thức ăn của cò mẹ và cò con sẽ bị cò cha tấn công đến chết; các loại cò thì kiếm ăn trên mặt nước trong khi các loại cùng họ với cò lại lặn sâu dưới mặt nước để săn mồi; quanh năm cò tự đi kiếm ăn, nhưng vào mùa khô hạn, chủ vườn phải cho ăn phụ thêm hằng ngày như tép, cá vụn băm nhuyễn…

Hầu hết du khách đến tham quan vườn cò Bằng Lăng đều rất thích thú trước cảnh tượng ở đây và đều mong muốn địa điểm du lịch này cần được bảo vệ, phát triển hơn nữa. Đó cũng là nỗi niềm của ông Nguyễn Ngọc Thuyền trước tình trạng bắt trộm, tận diệt động vật đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng...         
Báo Điện tử Đắk Lắk

Có thể bạn quan tâm