Kỷ niệm Ngày trẻ em thế giới với chủ đề về chăm sóc sức khỏe tâm thần

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm Ngày Trẻ em Thế giới 2021 nêu bật tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần khỏe mạnh cho trẻ em. Ảnh: baophapluat.vn
Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm Ngày Trẻ em Thế giới 2021 nêu bật tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần khỏe mạnh cho trẻ em. Ảnh: baophapluat.vn

Ngày 17/11, tại Trụ sở Liên hợp quốc, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức lễ kỷ niệm Ngày trẻ em thế giới (20/11) với chủ đề "Chăm sóc, bảo vệ và thúc đẩy sức khỏe tâm thần ở trẻ em". Chương trình mong muốn lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tâm thần tới sự phát triển của các bạn trẻ, thanh thiếu niên, những thế hệ tương lai của đất nước.

Kỷ niệm Ngày trẻ em thế giới với chủ đề về chăm sóc sức khỏe tâm thần ảnh 1Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm Ngày Trẻ em Thế giới 2021 nêu bật tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần khỏe mạnh cho trẻ em. Ảnh: baophapluat.vn
Kỷ niệm Ngày trẻ em thế giới với chủ đề về chăm sóc sức khỏe tâm thần ảnh 2Các em nhỏ được gia đình đưa đến tham quan Thảo Cầm Viên Sài Gòn sau một khoảng thời gian dài thành phố bị phong tỏa. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà khẳng định, Ngày trẻ em thế giới là một sự kiện có ý nghĩa. Đây cũng là ngày để chúng ta cùng hành động, vận động chính sách; nâng cao nhận thức của xã hội để giải quyết các vấn đề cấp bách mà trẻ em đang phải đối mặt

Ngày trẻ em thế giới năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, toàn thế giới phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, trong đó, trẻ em và thanh thiếu nhi phải gánh chịu những tiêu cực từ đại dịch nhất là về vấn đề học tập, sức khỏe tâm thần. Các em bị gián đoạn việc học tập; khó khăn hơn trong cách tiếp cận nguồn dinh dưỡng, điều kiện để chăm sóc sức khỏe nói chung. Các hoạt động vui chơi, giải trí, giao tiếp bạn bè cũng bị hạn chế; vấn đề liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em cũng có xu hướng gia tăng. Đặc biệt tình trạng trẻ em mắc COVID-19 phải cách ly, điều trị xa bố mẹ, người thân; trẻ em mồ côi do bố mẹ tử vong vì đại dịch COVID-19 đã đe dọa trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của trẻ em…

Nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng của đại dịch đến trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành trong việc tăng cường phổ biến kiến thức, cung cấp thông tin và chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cho cán bộ, nhân viên y tế, giáo viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ ở các khu cách ly, tại gia đình, nhà trường, các khu dân cư…Các cơ quan chức năng cũng tích cực tăng cường hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa sang chấn tâm lý cho trẻ em trong bối cảnh dịch COVID-19; kết nối để hình thành mạng lưới hỗ trợ chăm sóc trẻ em tại cộng đồng… Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi nhiều nỗ lực trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà mong muốn, các bộ, ban ngành, cơ quan, tổ chức quan tâm hơn, có hành động cụ thể để nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ em và người chăm sóc trẻ vượt qua khủng hoảng của đại dịch COVID-19.

Theo Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam Rana Flowers, trong vòng 2 năm qua, do tác động của đại dịch, rất nhiều vấn đề về quyền trẻ em đã bị ảnh hưởng. Đại dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng đến quyền trẻ em như: Các em bị cách ly với môi trường quen thuộc bên ngoài, có sợ hãi, lo lắng nhất định… Việc phong tỏa xã hội đã dẫn đến một tỷ lệ trẻ em ở nhiều nước phải sống trong im lặng và cảm thấy bị cô lập. Khi đại dịch chấm dứt, các tác động về kinh tế - xã hội cũng như hậu quả về sức khỏe tâm thần vẫn sẽ tiếp tục.

Mỗi người đều cần có một cơ thể khỏe mạnh cả tâm thần và thể chất. Tuy nhiên các vấn đề về sức khỏe tâm thần vẫn còn bị kỳ thị và hiểu lầm do đó đã tạo ra một "đại dịch" thầm lặng. Trẻ em và thanh thiếu niên chưa đủ mạnh mẽ để lên tiếng nói ra sự thật với bạn bè, người thân, gia đình. Vì thế, cần khuyến khích trẻ em chia sẻ, nói ra vấn đề của bản thân với người khác để nhận được sự giúp đỡ nhằm thay đổi sức khỏe tâm thần theo hướng thoải mái hơn, bà Rana Flowers nhấn mạnh.

Bà Rana Flowers cũng cho rằng, Chính phủ các nước cần cân nhắc các kế hoạch, chiến lược về sức khỏe tâm thần dành cho trẻ em và thanh thiếu niên; đầu tư vào các dịch vụ để hỗ trợ trẻ em... Trường học cần có dịch vụ tư vấn, chương trình học có ưu tiên liên quan đến sức khỏe tâm thần dành cho trẻ nhỏ. Thêm vào đó là cần có những cán bộ công tác xã hội tại cộng đồng có kỹ năng để có thể xác định trẻ em có nguy cơ, chuyển các em đến dịch vụ phù hợp nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần cho các em. Cha mẹ cần được tập huấn để nhanh chóng nhận biết các vấn đề của con, hỗ trợ kịp thời; tạo môi trường khuyến khích sự trao đổi, nói chuyện giữa các thành viên trong gia đình…

Tại lễ kỷ niệm Ngày trẻ em thế giới, các đại biểu đã nghe những chia sẻ của nhà văn Trang Hạ, MC Thảo Vân và ca sỹ Duy Khoa về những vấn đề của phụ huynh trong chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em và thanh, thiếu niên; chia sẻ của các em học sinh về suy nghĩ, trải nghiệm thực tế của bản thân và tư vấn của chuyên gia tâm lý, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Trần Thành Nam.

Nhân dịp này, Ban Tổ chức phát động thử thách đăng tải clip về sức khỏe tâm thần trên nền tảng Tiktok Việt Nam.

Ngày 20/11 hàng năm được lựa chọn là ngày trẻ em thế giới, đánh dấu ngày thông qua Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Đây cũng là dịp để nâng cao nhận thức về các vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ em và thúc đẩy sự tham gia của thanh, thiếu niên vào việc thực hiện các quyền của chính mình.

Minh Huệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm