Trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em gái thường là đối tượng thiệt thòi hơn về khả năng tiếp cận cơ hội, nguồn lực, điều kiện để lên tiếng nói. Bằng sự vào cuộc mạnh mẽ, nỗ lực của bộ ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và tổ chức phi chính phủ, nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em gái, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số đã được quan tâm. Các em được kiến nghị, bày tỏ ý kiến cũng như nguyện vọng bản thân. Tuy nhiên việc phát huy quyền tham gia của trẻ em gái đồng bào dân tộc thiểu số trong việc ra quyết định có ảnh hưởng đến tương lai vẫn là vấn đề được quan tâm.
Bài 2 - Tăng cường cơ hội cho trẻ em gái lên tiếng nói
Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các cấp bộ ngành và tổ chức chính trị - xã hội, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tham gia vào nhiều hoạt động nhằm phát huy quyền tham gia vào các vấn đề liên quan một cách hiệu quả để tích cực, nỗ lực tạo ra thay đổi và phát triển cho chính mình, hướng tới cuộc sống tốt hơn trong tương lai.
Cùng vào cuộc tạo ra sự thay đổi
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang chia sẻ, thời gian qua, tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp đã phối hợp với các ban ngành, tổ chức nhiều hoạt động nhằm giúp trẻ em phát huy quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến các em, giúp các em thay đổi và phát triển. Trong đó có thể kể tới hoạt động hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho các tỉnh, thành phố có đồng bào dân tộc thiểu số triển khai mô hình Hội đồng Trẻ em, các chương trình bồi dưỡng tập huấn cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái.
Để phát huy hơn nữa quyền của trẻ em gái, năm 2018, Hội đồng Đội Trung ương đã phối hợp với các đơn vị tổ chức diễn đàn trẻ em gái với sự tham gia của hơn 100 trẻ (trong đó có trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số) đại diện cho hàng chục triệu trẻ em gái trong cả nước.
Tham gia diễn đàn, các em được trực tiếp chủ trì, bày tỏ nguyện vọng, đưa ra kiến nghị và đối thoại trực tiếp với lãnh đạo đại diện các cấp bộ ngành, chính quyền một số địa phương, tổ chức… Các em đã thể hiện năng lực, truyền cảm hứng cho cộng đồng, tạo động lực cho các em gái khác để tham gia vào các vấn đề của trẻ em, hứa hẹn xây dựng một thế hệ lãnh đạo nữ trong tương lai luôn sẵn sàng tạo nên sự thay đổi.
Bà Phạm Thị Thanh Giang (Tổ chức Plan International Việt Nam) cho biết, Chiến lược quốc gia lần thứ 5 của đơn vị tại Việt Nam, Ban tổ chức mong muốn tạo ra sự thay đổi toàn diện cho cuộc sống của 2 triệu trẻ em gái Việt Nam và thúc đẩy bình đẳng giới là một trọng tâm hoạt động.
Để đạt được mục tiêu này, Plan International đang triển khai 31 dự án, nằm trong 3 chương trình trọng tâm: Thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ em từ 0-10 tuổi; phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong gia đình, nhà trường, nơi công cộng và trên không gian mạng; giáo dục và định hướng nghề nghiệp cho thanh thiếu niên, đặc biệt là thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn.
Hiện Plan International đang triển khai dự án “Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong việc giải quyết các vấn đề của trẻ em” tại 5 địa phương gồm Hà Giang, Lào Cai, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum - những địa bàn khó khăn nhất của nước ta. Trong chương trình, đơn vị đã tác động đến những khía cạnh khác nhau để thúc đẩy sự tham gia thực chất của trẻ em gái như tạo ra môi trường thuận lợi để các em có thể bày tỏ tiếng nói, đề xuất các giải pháp và tham gia sâu hơn vào các quá trình ra quyết định.
Mới đây nhất, Liên minh Giáo dục toàn cầu đã phát động chiến dịch toàn cầu #KeepingGirlsinthePicture – “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái". Tại Việt Nam, chiến dịch được triển khai trong khuôn khổ dự án “Chúng tôi có thể - Hướng tới mục tiêu sống và giáo dục tốt hơn”, thúc đẩy bình đẳng giới, giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số. Dự án do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc thực hiện nhằm thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số tại các tỉnh Hà Giang, Sóc Trăng và Ninh Thuận.
Sau hơn 1 tháng phát động, chiến dịch đã nhận được hơn 50 câu chuyện truyền cảm hứng của các tác giả đến từ nhiều vùng miền, dân tộc, ngành nghề khác nhau. Mỗi câu chuyện người thật, việc thật đó đã đem đến nhiều sự xúc động, truyền lửa cho học sinh dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái nỗ lực học tập, vượt qua khó khăn để hướng tới tương lai tốt đẹp.
Cần bức tranh tổng thể và quy mô rộng lớn
Trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số nói riêng đa số rất nhút nhát, ngại giao tiếp, sống khép mình và rất ngại chia sẻ về tâm tư với người lớn. Do vậy, việc tạo cho các em một môi trường thân thiện để chủ động nói lên suy nghĩ, mong muốn, nguyện vọng của mình là việc rất quan trọng.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, nguyên Trưởng ban Gia đình Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, việc người lớn không lắng nghe ý kiến của trẻ em sẽ làm ảnh hưởng đến tương lai của con trẻ. Do đó, những người hoạch định chính sách, người làm công tác về trẻ em cần truyền thông, nâng cao nhận thức, và trách nhiệm cho gia đình, nhà trường, cộng đồng để chính bố mẹ, thầy cô, người chăm sóc trẻ tạo mọi điều kiện cho các em thực hiện đầy đủ các quyền của mình; lên tiếng, bày tỏ mong muốn, nguyện vọng chính đáng phục vụ cho cuộc sống, tương lai của chính các em.
Trẻ em cũng cần được truyền thông để hiểu về quyền của mình; được trang bị kiến thức để chủ động giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, học tập, sinh hoạt. Các em cần được trao nhiều hơn nữa cơ hội tiếp cận thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục về giới và sinh hoạt cũng như hoạt động để đem lại bình đẳng cho các bé trai và bé gái vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Dưới góc nhìn của một tổ chức quốc tế tại Việt Nam và kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới, bà Phạm Thị Thanh Giang (Tổ chức Plan International Việt Nam) cho rằng, những can thiệp nhỏ lẻ là không đủ để đạt được kết quả bền vững. Đã đến lúc, chúng ta cần phải rà soát và có một cái nhìn tổng thể hơn để có một chương trình mang tính quy mô rộng hơn trên toàn quốc.
Cụ thể, với nhóm cha mẹ, thầy cô giáo, người chăm sóc trẻ cần đẩy mạnh hơn nữa việc thay đổi các quan niệm, nhận thức và các thực hành có hại liên quan đến vai trò, vị thế của trẻ em gái trong gia đình, trường học, cộng đồng. Sự thay đổi này có vai trò rất quan trọng vì cha mẹ, thầy cô giáo là người thường xuyên làm việc, tiếp xúc với trẻ. Bên cạnh đó cần tiếp tục xây dựng năng lực cho trẻ em, đặc biệt là các kỹ năng lãnh đạo thông qua việc nhân rộng các mô hình như: Hội đồng trẻ em, Thủ lĩnh của sự thay đổi trên 63 tỉnh, thành của Việt Nam.
Mặc dù quyền tham gia của trẻ em vùng dân tộc thiểu số, nhất là trẻ em gái đã có nhiều chuyển biến nhưng để các em được thực sự làm chủ cuộc sống thì vẫn cần nhiều chính sách, hoạt động cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa được triển khai trong thời gian tới nhằm để tạo ra sự chuyển biến tích cực và bền vững.
Minh Huệ