Trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em gái thường là đối tượng thiệt thòi hơn về khả năng tiếp cận cơ hội, nguồn lực, điều kiện để lên tiếng nói. Bằng sự vào cuộc mạnh mẽ, nỗ lực của bộ ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và tổ chức phi chính phủ, nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em gái, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số đã được quan tâm. Các em được kiến nghị, bày tỏ ý kiến cũng như nguyện vọng bản thân. Tuy nhiên việc phát huy quyền tham gia của trẻ em gái đồng bào dân tộc thiểu số trong việc ra quyết định có ảnh hưởng đến tương lai vẫn là vấn đề được quan tâm.
TTXVN thực hiện 2 bài viết nhân Ngày quốc tế trẻ em gái (11/10) nhằm làm rõ những vấn đề đặt ra trong việc phát huy quyền của trẻ em gái ở vùng dân tộc thiểu số.
Bài 1- Chuyển biến và thách thức
Những năm gần đây, nước ta đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em gái, trong đó có trẻ em gái vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy vậy, quyền tham gia của trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số trong một số vấn đề vẫn ở mức độ giới hạn, cần nhận được nhiều quan tâm hơn nữa để thay đổi và phát triển bền vững.
Đã có chuyển biến cơ bản...
Luật trẻ em năm 2016 có quy định 4 nhóm quyền của trẻ em bao gồm: Quyền được sống còn, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia. Trong đó, quyền được tham gia có thể hiểu ngắn gọn là các em được quyền bày tỏ mong muốn, nguyện vọng để hỗ trợ cuộc sống của bản thân. Về cơ bản, hiện nay, quyền được tham gia của trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những cải thiện đáng mừng.
Theo bà Phạm Thị Thủy (Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), những năm qua, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có trẻ em gái đã có cơ hội bày tỏ ý kiến thông qua nhiều mô hình thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề của chính các em như: Diễn đàn trẻ em, Hội đồng trẻ em, thăm dò ý kiến của trẻ em, Câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em, chương trình hoạt động do trẻ em khởi xướng thực hiện…
Các mô hình này đã tạo ra không gian để trẻ em thực hành nâng cao khả năng, kỹ năng trong việc bày tỏ ý kiến về các vấn đề đang gặp phải, đề xuất giải pháp, sáng kiến để giải quyết vấn đề dựa vào mong muốn và lăng kính của các em. Ý kiến của các em cũng được các cấp lãnh đạo tiếp nhận, triển khai, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định…
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, nguyên Trưởng ban Gia đình Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ, trong quá trình thực hiện các dự án về trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà tiếp xúc với nhiều bé gái và nhận thấy mong ước của các em rất đơn giản là được đi học, vui chơi; sống trong sự yêu thương của gia đình và cộng đồng; được ăn no, mặc ấm…
Điều đáng mừng là nhận thức của các bậc cha mẹ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay đã tiến bộ hơn rất nhiều. Đơn cử như trong vấn đề học hành của con, sau khi các con bày tỏ nguyện vọng, bố mẹ đã lắng nghe và chấp thuận cho con đi học. Bà không thể nào quên hình ảnh ông bố người Mông ở một thôn rất xa xôi của tỉnh Hà Giang ngày ngày đi xe máy, vượt quãng đường xa, hiểm trở lên tận đỉnh Mã Pì Lèng để đưa con đi học. Khi được hỏi tại sao có thể làm được như vậy, anh trả lời: Cuộc sống gia đình khó khăn lắm nhưng con gái rất thích được đi học. Nếu không cho đi thì con khóc nên anh đã cố gắng vượt khó khăn để hàng ngày đưa con đi học. Câu chuyện nhỏ này cho thấy, quyền, ý kiến của các con trong gia đình về vấn đề học tập đã được cha mẹ, người lớn quan tâm hơn, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai nhấn mạnh.
Nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải quan tâm
Mặc dù vấn đề học tập của trẻ em gái miền núi đã được quan tâm hơn trong thời gian qua nhưng thực tế cho thấy, cơ hội học cao lên của các bé gái vẫn chưa được cao như bé trai. Nhiều em gái chỉ được học đến cấp hai rồi nghỉ để kết hôn sớm theo yêu cầu của gia đình hoặc phụ giúp công việc nhà, nương rẫy…
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai chia sẻ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã từng nhận được đơn thư của các bé gái tại Hà Giang thể hiện mong muốn Trung ương Hội hỗ trợ để các em được tiếp tục đi học khi bố mẹ yêu cầu nghỉ học, lấy chồng sớm.
Trong thời gian qua, tỷ lệ kết hôn sớm của trẻ em dân tộc thiểu số có giảm nhưng vẫn ở mức độ cao. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc miền núi và các nghiên cứu của một số tổ chức quốc tế cho thấy, tỷ lệ kết hôn sớm của trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số là 21,9%, trong đó, bé gái kết hôn sớm là 23,5% và bé trai là 20,1%. Nguyên nhân cơ bản của vấn đề này là do bất bình đẳng giới, đói nghèo và các hủ tục lạc hậu được truyền từ đời này sang đời khác vẫn còn tồn tại khá dai dẳng ở vùng dân tộc thiểu số.
Kết hôn sớm sẽ để lại hậu quả vô cùng nặng nề như suy sinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ trẻ em, chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực của đất nước và quan trọng hơn là gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai bày tỏ.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang, mối quan hệ phụ hệ ảnh hưởng rất lớn đến quyền tham gia của phụ nữ, đặc biệt là trẻ em vào các vấn đề của chính các em. Trẻ em vùng dân tộc thiểu số phải đối mặt với rất nhiều vấn đề không an toàn trong gia đình và cộng đồng. Các em có thể trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người qua biên giới, bạo lực gia đình hay bị dụ dỗ tham gia vào đường dây buôn bán ma túy do thiếu hiểu biết… Trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái cũng khó có cơ hội tiếp cận với các nguồn lực, nói lên tiếng nói của mình là do định kiến xã hội áp đặt vị trí và giới hạn sự phát triển của các em…(Còn tiếp)
Minh Huệ