Chăm sóc, bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng do dịch COVID-19

Chăm sóc, bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng do dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, đẩy nhiều em nhỏ đang tuổi ăn học, rất cần vòng tay yêu thương, nuôi nấng của cha mẹ, người thân vào hoàn cảnh bơ vơ, không nơi nương tựa. Vì vậy, các cấp, các ngành và nhiều nguồn lực xã hội đang chung tay chăm lo cho các em cả về vật chất lẫn tinh thần. Các em nhỏ vì thế như được tiếp theo hơi ấm từ tình thương, sự chia sẻ, chăm sóc, để có thể học tập, vượt qua khó khăn do đại dịch.

Chăm sóc, bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 ảnh 1Cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ các em học trực tuyến tại lớp học dã chiến ở chung cư 1050 (quận Bình Thạnh), Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Hỗ trợ các em vượt qua khó khăn bằng nhiều nguồn lực

Dù có tỷ lệ mắc bệnh hay tử vong ít hơn người lớn, nhưng trẻ em vẫn là một trong các đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất do đại dịch COVID-19. Theo thống kê của Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và xã hội), tính đến đầu tháng 9/2021 cả nước có tới gần 12.000 trẻ em là F0, hơn 27.000 trẻ em là F1. Riêng tại TP Hồ Chí Minh có tới 1.500 trẻ em mồ côi do COVID-19 (thống kê chưa đầy đủ), trong đó có hơn 1.000 em đang học tiểu học và trung học cơ sở. Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhiều em nhỏ đang tuổi ăn học, rất cần vòng tay yêu thương, nuôi nấng của cha mẹ, người thân vào hoàn cảnh bơ vơ, không nơi nương tựa.

Để có thể chăm lo cho các em, nhất là trẻ em phải sống trong cảnh mồ côi do cha mẹ tử vong vì COVID-19, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ các em vượt qua khó khăn bằng nhiều nguồn lực và cách thức khác nhau.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, theo quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP, mỗi trẻ mồ côi cả cha và mẹ dưới 4 tuổi sẽ được nhận trợ cấp hơn 900.000 đồng/tháng; những em hơn 4 tuổi trở lên được trợ cấp 540.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, khi sống tại nơi nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thì trẻ mồ côi còn được hỗ trợ tiền ăn; chi phí điều trị trong trường hợp không có thẻ bảo hiểm y tế; chi phí đưa về nơi cư trú hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cũng đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em ở địa phương và các đơn vị chức năng triển khai thực hiện hỗ trợ 1 triệu đồng/trẻ em là con của sản phụ mắc COVID-19 được sinh ra trong khoảng thời gian từ ngày 27/4 đến 31/12/2021; hỗ trợ 2 triệu đồng đối với trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc cả hai mất vì mắc COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27/4 đến 31/12/2021 và gia đình có hoàn cảnh khó khăn...

Tại TP Hồ Chí Minh, theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, những trẻ em dưới 16 tuổi đang điều trị do mắc COVID-19 (F0) hoặc cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, sẽ được hỗ trợ tiền ăn với mức 80.000 đồng/người/ngày. Thời gian áp dụng kể từ ngày 27/4 đến 31/12/2021 và thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế (tối đa 45 ngày đối với trường hợp là F0 và 21 ngày đối với trường hợp F1). Mỗi trẻ em sẽ được hỗ trợ thêm một lần mức 1 triệu đồng.

Trẻ em có cha mẹ đã qua đời vì COVID-19 sẽ được áp dụng mức trợ cấp hệ số 2,5 (đối với trẻ em dưới 4 tuổi); hệ số 1,5 (đối với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên) và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được miễn giảm học phí và các khoản khác trong nhà trường. Các trẻ sẽ được trợ cấp đến dưới 16 tuổi; nếu đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.

Bên cạnh những chính sách của Nhà nước là sự chung tay, góp sức của cộng đồng. Hội đồng Đội TP Hồ Chí Minh đã phát động chương trình hỗ trợ học bổng 3 triệu đồng/năm học cho các em học sinh mất cha, mẹ do dịch bệnh COVID-19 cho đến khi các em học hết cấp 3. Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng triển khai chương trình “ATM yêu thương” nhận bảo trợ và đỡ đầu cho trẻ em mồ côi cha mẹ có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh…

Nhằm chia sẻ với các gia đình, các cháu đang đối mặt với những khó khăn để thích ứng với việc học trong điều kiện dịch bệnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Đặc biệt, để bảo vệ trẻ em trước đại dịch, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới, Thủ tướng đã giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiên cứu, triển khai tiêm vaccine cho trẻ em. Bộ Y tế quy định độ tuổi tiêm các loại vaccine để tính toán phân bổ, có kế hoạch tiêm vaccine phù hợp.

Cần một chính sách dài hạn

Bên cạnh hỗ trợ kịp thời, chăm sóc về thể chất thì theo nhiều chuyên gia, vấn đề lo ngại nhất lúc này chính là vấn đề chăm sóc, trị liệu tâm lý cho trẻ em mồ côi. Sự mất đi cha, mẹ đã là một nỗi đau lớn, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ em mà trong điều kiện bình thường để giảm bớt sang chấn tâm lý đã khó thì trong điều kiện ngặt nghèo của đại dịch COVID-19 lại càng khó khăn hơn.

Theo TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), nỗi đau mất cha mẹ và những trải nghiệm bị cách ly, phải vật lộn với những thiếu thốn trong những ngày đại dịch vừa qua hoặc phải chứng kiến cha mẹ ra đi ngay trước mắt, đã để lại những vết thương sâu sắc trong tâm hồn và những hậu quả lâu dài về tâm lý của các con. Đó là chưa kể đến việc các con có thể gặp phải những nguy cơ bị lợi dụng, lạm dụng, xâm hại, bóc lột, thậm chí là trở thành nạn nhân của những đường dây mua bán người.

Theo ông Đặng Hoa Nam, điều quan trọng nhất lúc này là cần giúp người thân, người chăm sóc hay cán bộ địa phương nơi các em sinh sống phát hiện ra những dấu hiệu sang chấn của các em (nếu có) để can thiệp kịp thời vì hiện nay không phải ai cũng có kiến thức kỹ năng để nhìn ra điều này. Về phía địa phương, cần áp dụng ngay chính sách của Nhà nước, của địa phương cũng như các nguồn hỗ trợ để làm sao giảm mức tối đa khó khăn về mặt đời sống cho các em; triển khai giúp các em tiếp cận với hệ thống mạng lưới, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Ông Nam đánh giá cao các doanh nghiệp, tổ chức có chương trình hỗ trợ, các dự án dài hơi chăm sóc trẻ em mồ côi. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh điều quan trọng nhất lúc này là phải để các em được sống trong môi trường gia đình, sống với người thân, cộng đồng nơi các em sinh ra.

Cùng quan điểm này, theo TS Khuất Thu Hồng, gia đình là nơi tối ưu cho các cháu vào lúc này. Chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội ở cấp cơ sở nên lập tức thống kê danh sách và hoàn cảnh cụ thể của từng cháu để có những giải pháp thiết thực, phù hợp nhất với mỗi cháu. Nếu các cháu vẫn còn ông bà nội ngoại hoặc những người ruột thịt khác có đủ khả năng chăm sóc các cháu thì nên động viên và hỗ trợ về vật chất để họ nuôi các cháu. Đối với các cháu không có nơi nương tựa đáng tin cậy thì nên kêu gọi những người có điều kiện nhận các cháu làm con nuôi. Gia đình với cha mẹ, anh chị em, là môi trường tốt nhất cho các cháu, nhất là các cháu nhỏ.

Ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh, tất cả sự trợ giúp, hỗ trợ cho trẻ em cho dù đó là chính sách của Nhà nước hay là của các cá nhân, tổ chức thiện nguyện thì trước hết đều phải xuất phát dựa trên những nguyên tắc về quyền, lợi ích tốt nhất của trẻ em, căn cứ vào nhu cầu, nguyện vọng cụ thể của từng em và người chăm sóc trẻ để có sự hỗ trợ phù hợp. Nguyên tắc chung của Luật Trẻ em nêu rõ trẻ em chỉ có thể phát triển tốt nhất trong môi trường gia đình. Khi các em mất môi trường gia đình, mất cha mẹ không có sự chăm sóc đầy đủ của cha mẹ thì sẽ tìm kiếm sự chăm sóc từ người thân. Khi không có người thân thích thì có thể tìm tới một cá nhân, một gia đình khác có nhu cầu chăm sóc. Giải pháp đưa các em về nuôi dưỡng tập trung ở cơ sở tập trung, các cơ sở nuôi dưỡng dài hạn… chỉ là giải pháp cuối cùng khi các giải pháp kia không thực hiện được.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội cho biết, câu chuyện trẻ em mồ côi không phải là vấn đề trước mắt 1 năm, 2 năm, có những em mới chào đời còn gần 20 năm phía trước cần được hỗ trợ, chúng ta phải tính toàn diện. Vấn đề thực tiễn đặt ra có tác động lâu dài nên cần phải tính đến một chính sách dài hạn.

Minh Duyên (tổng hợp)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm