Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ nhất, chiều 23/7, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Trình bày Tờ trình tóm tắt đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: Đối tượng thụ hưởng của Chương trình là người dân, cộng đồng dân cư, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn. Chương trình phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% số xã và ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất hai đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Cấp thôn phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do cấp tỉnh quy định.
Chương trình có 11 nội dung thành phần. Để nâng cao hiệu quả thực hiện các nội dung này sẽ triển khai 6 đề án, chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới nổi lên sau 10 năm thực hiện. Dự kiến tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình giai đoạn khoảng 2,45 triệu tỷ đồng- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết.
Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới thời gian vừa qua. Qua 10 năm thực hiện, Chương trình đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, rộng khắp trong cả nước với sự hưởng ứng tham gia tích cực, nhiệt tình của nhân dân, có nhiều mô hình mới, cách làm hay đã được thực hiện. Nhờ đó, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng, toàn diện. Tuy nhiên, khu vực nông thôn còn đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm đầu tư, vừa duy trì, phát huy các thành quả đã đạt được, vừa hỗ trợ các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới.
Ủy ban Kinh tế cho rằng việc tiếp tục thực hiện Chương trình này là cần thiết, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời có nhiều thuận lợi, trong đó, bộ máy, nguồn nhân lực thực hiện Chương trình đã được vận hành trong nhiều năm qua, nhận thức người dân về lợi ích của Chương trình có nhiều chuyển biến, tích cực hưởng ứng tham gia- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế tán thành phạm vi Chương trình được thực hiện trên địa bàn nông thôn của cả nước bao gồm tất cả các xã, các huyện, các thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ cấu nguồn lực huy động được lồng ghép giữa các chương trình. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát để tránh trùng lặp, tránh bỏ sót về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động giữa các Chương trình, đồng thời bảo đảm việc lồng ghép phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.
Thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Chương trình Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, các đại biểu Quốc hội cho rằng việc thực hiện chương trình này cần thiết và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm tới cũng như phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Một số đại biểu đề nghị, quá trình lập quy hoạch cấp xã, huyện, tỉnh cần chú ý gắn thực hiện xây dựng nông thôn mới với quá trình đô thị hóa, tạo tiền đề phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nhanh và bền vững. Có ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát để tránh trùng lặp, tránh bỏ sót về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động giữa các Chương trình, đồng thời bảo đảm việc lồng ghép phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.
Tán thành với các đánh giá của Chính phủ về Chương trình nông thôn mới thời gian qua đã tạo nên diện mạo, bộ mặt của nông thôn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cũng đề cập đến những hạn chế của Chương trình như về cơ chế tài chính, phân bổ ngân sách cũng như “bệnh thành tích” tại một số địa phương. “Nhiều nơi được công nhận là huyện nông thôn mới nhưng tài sản của người dân chẳng có gì ngoài các đồ dùng thiết yếu hằng ngày. Nhiều nơi chạy theo thành tích trong phát triển nông thôn mới nên hiệu quả chưa thực chất và bền vững”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết.
“Chương trình nông thôn mới là cần thiết phải đầu tư, song tôi cũng băn khoăn vì chương trình không có điểm kết thúc, việc kéo dài có những hệ lụy nhất định về mặt chi phí cho bộ máy, công tác quản lý phí, không tiết kiệm được nguồn lực cho việc tiết kiệm. Đó là nguyên tắc tập trung, tránh trùng lắm, vì thế chúng ta cần cân đối để thực hiện 3 chương trình nông thôn mới, để tiết kiệm chi phí và không bị trùng lắp trong đầu tư cũng như chi phí”, đại biểu Đoàn Hà Nội nêu quan điểm.
Hạnh Quỳnh