Mường La là huyện nghèo của tỉnh miền núi Sơn La, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Vì vậy, huyện gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới, nhất là ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Cấp ủy, chính quyền và người dân huyện Mường La đang vào cuộc mạnh mẽ để có những giải pháp đưa các xã khó khăn hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Chiềng Lao là xã vùng 3 của huyện Mường La nằm ở độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển. Toàn xã có 18 bản, với 2.159 hộ, hơn 10.300 nhân khẩu thuộc ba dân tộc Thái, Mông và La Ha cùng chung sống. Tuy diện tích tự nhiên khá lớn, hơn 13.000 ha nhưng diện tích đất sản xuất hằng năm chỉ khoảng 1.600 ha, chủ yếu là đất nương dốc bạc màu, năng suất cây trồng thấp; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế của người dân; việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất của nhân dân còn hạn chế. Vào mùa mưa lũ, một số bản trên địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn bởi thiên tai, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét hoặc bị ngập lụt... Do đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm hơn 38%.
Chủ tịch UBND xã Chiềng Lao Cà Văn Dưỡng cho biết, đến nay xã tự tổ chức đánh giá đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới; trong đó 3/5 tiêu chí còn lại về thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm, là những tiêu chí khó hoàn thành nhất đối với xã vùng cao Chiềng Lao.
Để đạt được chỉ tiêu, tiêu chí về hộ nghèo, thu nhập, ông Cà Văn Dưỡng đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ về cây, con giống; liên kết với các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã để bàn giao khoa học kỹ thuật, đầu tư vật tư, phân bón, bao tiêu sản phẩm cho bà con. Như vậy, thu nhập của nhân dân sẽ tăng lên và về đích nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.
Gia đình anh Lò Văn Học ở bản Huổi Choi, xã Chiềng Lao, có 7 nhân khẩu, kinh tế phụ thuộc vào 7 lồng nuôi cá trắm cỏ trên lòng hồ và 8.000 m2 nương trồng sắn. Do điều kiện giao thông không thuận lợi nên sản phẩm của gia đình làm ra có giá bán rất thấp, chủ yếu là bán cho người dân địa phương, tổng thu nhập cả năm chỉ được từ 10-20 triệu đồng. Hơn nữa, thời gian gần đây, các hộ dân trong bản cũng thực hiện mô hình nuôi cá, làm nương nên sản phẩm nhiều khi không bán được. Đặc biệt, năm nay thời tiết không thuận lợi, gió to làm hỏng lồng cá, hạn hán làm chết gần hết nương sắn khiến gia đình anh Học bị thua lỗ. Anh Lò Văn Học chia sẻ, do nhu cầu người dân ở đây không nhiều nên cá nuôi được cũng không xuất bán được là bao, còn nếu bán nhập cho thương lái thì giá thấp nên anh dự kiến không nuôi cá lồng nữa. Gia đình anh Học cũng chưa biết nên làm gì để phát triển kinh tế do đó rất mong muốn chính quyền có phương hướng hỗ trợ.
Toàn huyện Mường La hiện còn 12/15 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Đa số các xã hoàn thành từ 10 - 12 tiêu chí, khó khăn nhất là tiêu chí về giao thông, thu nhập và môi trường. Nguyên nhân là do việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đòi hỏi nguồn lực lớn, trong khi đó xuất phát điểm của các xã còn thấp, tiềm lực kinh tế hạn chế, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng nông nghiệp - nông thôn vừa thiếu, chưa đồng bộ. Hiệu quả đầu tư sản xuất nông nghiệp thấp, rủi ro cao nên thu hút đầu tư còn hạn chế; diễn biến thời tiết cực đoan, dịch bệnh phức tạp cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân.
Ông Lù Văn Quí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La thông tin, hiện các xã vùng cao không tự túc được nguyên vật liệu mà phải khai thác, vận chuyển từ vùng thấp lên nên giá thành rất cao. Nhân dân mong muốn Nhà nước hỗ trợ nguyên vật liệu, người dân sẽ đóng góp ngày công lao động và xi măng để xây dựng các công trình, đặc biệt là đường giao thông.
Để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, huyện Mường La xác định tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch giảm nghèo và kế hoạch phát động phong trào thi đua của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đồng hành cùng nhân dân giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI. Bên cạnh đó, huyện tích cực vận động nhân dân đóng góp hiện vật, ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn. Giao thông thuận lợi sẽ là yếu tố quan trọng không chỉ tạo điều kiện trong việc đi lại của người dân, mà còn thúc đẩy sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập. Khi đời sống được cải thiện cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước mới huy động được sự đóng góp của người dân, chung tay hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La Nguyễn Văn Tâm, nhằm phục vụ xây dựng nông thôn mới bền vững, huyện đang tổ chức thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo vệ phát triển rừng vừa phát triển kinh tế gắn với du lịch lòng hồ, trải nghiệm ở các xã có lập địa và điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi. Cùng với đó, huyện nỗ lực hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Quang Quyết