Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Đề nghị hoàn thành cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân theo đúng tiến độ

Các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Điện Biên, Khánh Hòa, Long An thảo luận ở tổ. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
Các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Điện Biên, Khánh Hòa, Long An thảo luận ở tổ. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, chiều 9/6, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Các đại biểu đề nghị đề nghị Chính phủ bảo đảm hoàn thành cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Đề nghị hoàn thành cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân theo đúng tiến độ ảnh 1 Các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Điện Biên, Khánh Hòa, Long An thảo luận ở tổ. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Dự thảo Luật cư trú (sửa đổi) đã thể chế hóa hai nhóm chính sách lớn là thay hình thức quản lý cư trú thông qua sổ hộ khẩu bằng phương thức quản lý theo số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và chính sách quy định về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tuy nhiên, các đại biểu còn băn khoăn, đề nghị làm rõ phương thức quản lý cư trú mới, bởi việc này chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân.

Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) cho rằng, đến thời điểm này mới chỉ có 18 nghìn công dân được cấp số định danh cá nhân là chậm; đề nghị Chính phủ bảo đảm hoàn thành cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra. Đại biểu phân tích, số định danh cá nhân được quy định trong Luật Căn cước công dân mà luật này quy định từ 1/1/2020 phải thực hiện việc quản lý bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến giờ quá hạn mà vẫn còn gần 80 triệu công dân chưa được cấp số định danh cá nhân. Nếu luật được ban hành và có hiệu lực năm 2021 thì chỉ có 1 năm để cấp số định danh cá nhân cho 80 triệu công dân còn lại.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, để cấp số định danh cá nhân, công tác này cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự chính xác, có kiểm tra, đối chiếu. Trong khi đó, việc bố trí kinh phí cho hoạt động này chưa bảo đảm nên sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện. Theo đại biểu, nguyên nhân khiến tiến độ triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chậm là vì không có kinh phí. Luật căn cước công dân quy định Nhà nước bảo đảm ngân sách triển khai dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng Chính phủ không đưa vào đầu tư trung hạn của giai đoạn 2016-2020, không có kinh phí để làm cơ sở quốc gia dân cư cho nên mới có 18 triệu người được cấp số định danh cá nhân.

Về điều kiện đăng ký thường trú, các đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật nên quy định điều kiện đăng ký đối với những người có chỗ ở hợp pháp. Đối với người đi thuê, mượn, ở nhờ, nếu được chủ sở hữu, chủ sử dụng đồng ý thì cũng được đăng ký thường trú. Đối với quy định xóa đăng ký thường trú, theo các đại biểu, việc bổ sung trường hợp xóa đăng ký thường trú nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân và hộ gia đình trong đăng ký, quản lý cư trú, cũng như giúp Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú nắm bắt tình hình cư trú của dân cư trên địa bàn quản lý được chính xác, chặt chẽ hơn. Quy định này chỉ áp dụng đối với người không khai báo, nếu công dân có khai báo thì sẽ không bị xóa đăng ký cư trú. Đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An) đề nghị, Chính phủ làm rõ những hậu quả pháp lý đối với quy định xóa đăng ký thường trú.

Đỗ Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm