Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Cần thiết ban hành Chương trình phát triển kinh tế- xã hội riêng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Cần thiết ban hành Chương trình phát triển kinh tế- xã hội riêng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Sáng 12/6, Quốc hội tiếp tục tiến hành công tác nhân sự. Với 92,96% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Cần thiết ban hành Chương trình phát triển kinh tế- xã hội riêng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 1 Hội đồng bầu cử quốc gia ra mắt Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Theo đó, danh sách Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia gồm: Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước.

Danh sách Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia gồm 16 người. Ngay sau đó, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã ra mắt các đại biểu Quốc hội.

Phát biểu tại Lễ ra mắt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu và phê chuẩn các thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia; đồng thời nhấn mạnh, đây vừa là niềm vinh dự nhưng cũng là trọng trách lớn lao mà Đảng, Quốc hội đã tin tưởng giao.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, sự thành công của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có ý nghĩa đối với kết quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, nhất là nhiệm vụ thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp để góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

“Chúng tôi xin hứa sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan đoàn kết, thống nhất, nỗ lực cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được hiến định, luật định”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trong phiên làm việc sáng, với 93,37% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, ông Dương Thanh Bình được bầu giữ chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Trước khi được bầu, ông Dương Thanh Bình là Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Các đại biểu đều cơ bản tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm tạo điều kiện để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học của đất nước. Một số ý kiến đề nghị nên cân nhắc sử dụng từ “đặc thù”; cần quy định rõ về thẩm quyền ban hành phí, lệ phí, trường hợp cần tăng phí, lệ phí thì phải có sự đồng thuận của Nhân dân; cần sớm sửa đổi Luật Thủ đô để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới…

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết các ý kiến thảo luận của đại biểu sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình, đồng thời chỉ đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và cơ quan có liên quan tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.

Trong phiên họp chiều, dưới dự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Phiên họp được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nội dung: phạm vi, đối tượng thụ hưởng, địa bàn của Chương trình mục tiêu quốc gia; quan điểm, mục tiêu đầu tư; nguyên tắc, cơ chế thực hiện; chính sách huy động, tập trung nguồn lực đầu tư; các dự án thành phần của Chương trình; thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án thành phần; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào các dự án thành phần; kinh phí đầu tư, cơ cấu các nguồn vốn; tính khả thi trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình…

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội đã tập trung vào những vấn đề cấp bách nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội; đồng thời, khẳng định chính sách dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp, các ngành và đồng bảo cả nước quan tâm. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là cần thiết.

Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu đầy đủ và hoàn thiện trước khi trình Quốc hội thông qua.

Quốc hội sẽ thảo luận cả ngày mai (13/6) tại hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và Ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. Phiên họp được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân và cử tri theo dõi.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm