Chiều 12/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu thảo luận tại hội trường về chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Nhiều ý kiến cho rằng cần phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn và nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù; chú ý giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục lạc hậu…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã tham gia giải trình, làm rõ hơn ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, dự kiến quý III/2020, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Quyết định tiêu chí, từ đó sẽ có danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã, thôn đặc biệt khó khăn để thực hiện chương trình.
Theo ông Đỗ Văn Chiến, đây là việc hệ trọng, cần được tiến hành từng bước, chắc chắn, minh bạch theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, hiện nay, quyết định phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển đang có hiệu lực thi hành, do vậy, Chính phủ cân nhắc ban hành quyết định vào quý III/2020 để thực hiện từ năm 2021 là phù hợp.
Về mối quan hệ của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, một số ý kiến đại biểu cho rằng, định mức đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội địa bàn đặc biệt khó khăn còn thấp so với yêu cầu thực tiễn. Do vậy, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu thận trọng, chắc chắn, báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để trình với Quốc hội khi xem xét, quyết định.
Địa bàn đặc biệt khó khăn sẽ được ưu tiên đầu tư ở mức cao nhất, đúng theo kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Chính phủ ngày 30/12/2019 về triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Nhóm ý kiến về rà soát, tích hợp chính sách và phân chia các dự án thành phần, Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 phân định thành 10 dự án như đã xác định trong Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, khi lập báo cáo khả thi, Ủy ban Dân tộc sẽ báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cơ cấu lại nguồn vốn của các dự án hợp lý hơn trong tổng nguồn lực, tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào các dự án như đã nêu trong Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc; phân công trách nhiệm rõ ràng, tránh dàn trải, giảm đầu mối quản lý như ý kiến các đại biểu nêu; nỗ lực cao nhất để đạt mục tiêu như kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội.
Về các ý kiến cho rằng vấn đề tỷ lệ vốn sự nghiệp và vốn đầu tư chưa hợp lý; việc xác định tiêu chí của các dân tộc còn khó khăn; còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết; vấn đề dạy tiếng dân tộc cho con em đồng bào dân tộc thiểu số… ông Đỗ Văn Chiến khẳng định Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến. Theo quy định tại Nghị quyết 88/2019-QH14 của Quốc hội, hàng năm Chính phủ sẽ báo cáo kết quả thực hiện với Quốc hội và sẽ tiếp tục giám sát, điều chỉnh nhữn g điểm chưa hợp lý.
“Chương trình này là một cơ hội lớn, nguồn sinh khí mới. Đồng bào sẽ có điều kiện để giảm bớt những khó khăn, nhọc nhằn hiện nay, chắc chắn đồng bào sẽ rất vui mừng, phấn khởi và mãi mãi biết ơn Đảng và Nhà nước”, ông Đỗ Văn Chiến nêu rõ.
Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến mong muốn và tin tưởng, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ tiếp tục thay đổi nếp nghĩ, cách làm; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, không cam chịu đói nghèo, vượt qua chính mình, hòa nhập và phát triển cùng với đất nước.
Diệp Trương - Hiền Hạnh