Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi phát triển nhanh, bền vững

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi phát triển nhanh, bền vững
Sáng 1/11/2019, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Trong ảnh: Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN
Sáng 1/11/2019, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Trong ảnh: Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Sự cần thiết ban hành Đề án

Cử tri Vũ Minh Công (Chánh Văn phòng huyện Nậm Pồ, Điện Biên) đánh giá: Đề án rất thiết thực, phù hợp với huyện biên giới khó khăn như Nậm Pồ nói riêng và các địa bàn tương tự nói chung. Đề án thể hiện một phần của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và Đề án sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh (Đề án 79).

Cử tri Vũ Minh Công mong muốn, Đề án sớm được triển khai theo đúng lộ trình đề ra, từ đó góp phần thay đổi đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Mục tiêu của Đề án là phát triển kinh tế - xã hội, nếu đảm bảo được mục tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần so với năm 2020 thì Đề án rất thành công. Kinh tế - xã hội phát triển sẽ thúc đẩy văn hóa phát triển, đời sống tinh thần của đồng bào sẽ được nâng lên. Đồng bào tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng.

Quan tâm đến nội dung phiên thảo luận tại Quốc hội, cử tri Lò Văn Khúi (Đội 6, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) bày tỏ kỳ vọng Đề án sẽ sớm được Quốc hội thông qua và triển khai trong cả nước. Hiện nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi như Điện Biên vẫn đang chịu nhiều thiệt thòi so với các tỉnh miền xuôi. Hạ tầng cơ sở như điện, đường, trường, trạm vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở các xã vùng cao còn rất thiếu thốn; tỷ lệ hộ nghèo, người dân không có việc làm ở mức cao; vấn đề đất ở, đất sản xuất hay nước sinh hoạt còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, Quốc hội cần xem xét sớm triển khai Đề án, trong đó chú trọng việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, cần chú trọng giải quyết việc làm cho người dân, xóa bỏ các tập tục lạc hậu tại địa phương.

Đồng quan điểm, theo cử tri Điểu Mưu, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương II (Ủy ban Dân tộc), việc thông qua Đề án không chỉ đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong tình hình hiện nay mà còn có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước thời gian tới.

Cử tri Hà Thanh Sơn, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho rằng: Đề án được thực thi sẽ giải quyết những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc tại các địa phương; qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn phát triển nhanh, bền vững.

Theo dõi phiên thảo luận sáng 1/11, ông Dương Quang Ngọc, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh nhận xét, phiên thảo luận rất tập trung, sôi nổi, đầy trách nhiệm; thể hiện rõ sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Các đại biểu đều nhất trí cao với việc cần thiết ban hành Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đồng thời bổ sung nhiều ý kiến thiết thực để hoàn thiện Đề án, khắc phục tồn tại, hạn chế, bất cập của 118 chính sách dân tộc đang có hiệu lực hiện nay.

Việc triển khai Đề án sẽ tạo sinh kế bền vững, tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ một số yêu cầu bức thiết về đời sống của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, Đề án khắc phục được tính dàn trải mà sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư có trọng điểm, đồng thời, phát huy vai trò tự lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

Sáng 1/11/2019, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Trong ảnh: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. Ảnh: Văn điệp - TTXVN
Sáng 1/11/2019, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Trong ảnh: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. Ảnh: Văn điệp - TTXVN

Khơi dậy ý thức tự lực vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số

Theo cử tri Điểu Mưu, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương II (Ủy ban Dân tộc), qua quá trình sinh sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và làm công tác theo dõi thực hiện chính sách vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhận thấy còn những bất cập trong triển khai chính sách thời gian qua.

Cử tri đề nghị sau phiên thảo luận, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội để có sự điều chỉnh, bổ sung vào các nội dung của đề án, có thể tập trung ở một số vấn đề gồm: Đối với phát triển kinh tế, ngoài hỗ trợ đất sản xuất, cây con giống cần có chính sách hỗ trợ về phương thức sản xuất như công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiếp cận thị trường, liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa… để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát huy nội lực, có điều kiện phát triển bền vững nền kinh tế.

Cử tri Điểu Mưu cũng cho rằng, việc vận dụng thực hiện chính sách cần hướng dẫn, quy định cụ thể trong đề án. Đặc biệt thực hiện chính sách cần sự linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, phong tục tập quán của mỗi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình triển khai. Đề án cần tính toán đến việc phân bổ nguồn vốn hợp lý theo ưu tiên đầu tư cho các vùng khó khăn hơn, sau đó mới chuyển sang những vùng khác, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, không tập trung dẫn đến thiếu vốn khi thực hiện chính sách tại một số vùng khó khăn và làm giảm hiệu quả đầu tư.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Ngọc Vinh, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ các ý kiến phiên thảo luận, Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu để xây dựng chính sách cụ thể cho từng vùng, miền mà trong dự thảo đề án chưa đề cập đến. Theo đó, tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện đầu tư đồng bộ các chính sách của đề án, tránh đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực dẫn đến hiệu quả chưa cao ở một số chính sách dân tộc hoặc ban hành chính sách nhưng nguồn lực chưa được bố trí, bố trí quá ít...

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả các chính sách, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung, cần chuyển đổi mạnh mẽ các chính sách hỗ trợ trực tiếp sang chính sách tạo cơ hội cho đồng bào tự vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. Trong đó, cần ưu tiên theo các lĩnh vực: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số, giảm nghèo tiếp cận đa chiều và giảm nghèo bền vững.

Hơn nữa, các chính sách cần chú trọng tới việc đầu tư phát triển để khai thác thế mạnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi, của từng địa phương; bảo đảm tính liên kết, liên thông tốt hơn như cơ sở hạ tầng kết hợp phát triển kinh tế, chính sách tín dụng gắn với tạo việc làm, dạy nghề gắn với nhu cầu việc làm... Từ đó, bảo đảm hiệu quả và tính bền vững trong quá trình thực hiện.

Đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu tại phiên thảo luận, theo cử tri Dương Quang Ngọc, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ đồng bào thiểu số, Đề án cần đưa ra những giải pháp cụ thể và hữu hiệu để kích thích nội lực, khơi dậy ý thức tự lực vươn lên trong cuộc sống, tạo động lực để đồng bào dân tộc thiểu số thi đua lao động sản xuất, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào mình. Từ đó, từng bước thu hẹp khoảng cách về kinh tế, đời sống xã hội giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và mặt bằng chung của cả nước.

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong đồng bào các dân tộc thiểu số

Cử tri Điểu Mưu, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương II (Ủy ban Dân tộc) nêu quan điểm, song song với phát triển kinh tế - xã hội, đề án cần đặt ra nhiệm vụ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Bảo tồn chữ viết, ngôn ngữ, các sản phẩm truyền thống và các phong tục tập quán tốt đẹp là vấn đề cấp bách hiện nay đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, đề án cần có chính sách hỗ trợ và bố trí kinh phí để các địa phương phát triển sản phẩm nghề truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa, vừa đem lại việc làm cho đồng bào vừa góp phần phát triển kinh tế tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cử tri Vũ Minh Công (Chánh Văn phòng huyện Nậm Pồ, Điện Biên) đề nghị Đề án cần quan tâm nhiều hơn đến việc đào tạo nghề và tạo việc làm cho người dân ở vùng miền núi, vùng khó khăn. Những năm qua, nhiều trường hợp bỏ địa bàn đi lao động trái phép ở nước ngoài, nguyên nhân chủ yếu là do không có việc làm. Làm tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương sẽ giảm thiểu tình trạng này. Giải pháp có thể là ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư những lĩnh vực nông lâm nghiệp trên địa bàn, do lĩnh vực này thu hút nhiều nhân công, lao động tại địa phương.

Ông Vũ Minh Công đề nghị cân nhắc việc sắp xếp, ổn định dân di cư tự phát, bởi tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự xã hội; đối với việc sắp xếp các thôn bản cần được nghiên cứu kỹ lưỡng do đặc thù ở miền núi, vùng cao các bản cách xa nhau.
TTXVN 

Có thể bạn quan tâm