Ảnh: daidoanket.vn |
Trên địa bàn huyện Kon Plông hiện có khoảng 64 tổ chức, cá nhân đang đầu tư, triển khai các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung tại các xã Măng Cành, Măng Bút và Đăk Long; trong đó có 18 dự án liên quan đến công tác trồng, phát triển các loại cây dược liệu với tổng số gần 80 ha.
Đầu năm 2017, huyện Kon Plông đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn Sơn Trung Du (Việt Trì-Phú Thọ) với các hộ dân xã Măng Cành và Đăk Long, với loại cây dược liệu được chọn trồng là cây cà gai leo trên diện tích 30 ha.
Các diện tích cây dược liệu đã gieo trồng tại huyện như: 16,5 ha sâm dây tại xã Măng Cành và Măng Bút phát triển mạnh, cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người dân. Cây nghệ phát triển tốt trên diện tích xen canh trong các tán rừng với diện tích 20 ha tại các xã Măng Bút, Ngọc Tem, xã Hiếu, Pờ Ê… Do hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên các loại cây dược liệu tại Kon Plông phát triển tốt trong môi trường tự nhiên, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh và cho giá trị kinh tế cao, giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế.
Ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông cho biết, huyện đang tập trung phát triển các loại cây chính là hồng đẳng sâm, đương quy, nghệ, kim tuyến, sa nhân, chè dây. Chè dây là loài mọc tự nhiên được khoanh vùng lại để bảo tồn và phát triển; 6 loại cây còn lại sẽ vận động nhân dân, xác định khoanh vùng tập trung chủ yếu ở các xã khí hậu nhiệt đới. Để phát triển lâu dài, chính quyền hỗ trợ nhân dân về quy trình, kỹ thuật, giống, liên kết các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Hiện có bốn công ty ký kết hợp đồng với người dân về bao tiêu sản phẩm dược liệu trên địa bàn huyện.”
Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông dự kiến tập trung phát triển 6 loài cây dược liệu chính trên 78 ha nhóm cây nhân rộng và phát triển: 16,5 ha sâm dây tại hai xã Măng Cành và Măng Bút; 30 ha cà gai leo tại xã Măng Bút và Đăk Long; 5 ha cây sa nhân; 20 ha cây nghệ; 5 ha sâm đương quy; 0,03 ha cây kim cương…
Ngoài ra để làm phong phú, đa dạng nguồn cây dược liệu trên địa bàn, huyện sẽ triển khai trồng 5,6 ha nhóm cây trồng thử nghiệm như: 1,5 ha cây chùm ngây; 2 ha cây xạ đen; 2 ha cây atisô; 0,12 ha cây ba kích tím...; đồng thời bảo tồn và phát triển 5 loài cây dược liệu bản địa, gồm sơn tra, cốt toái bổ, chè dây, ngũ vị tử, chuối rừng./.
Hồng Điệp
TTXVN