Công nhân công ty Điện lực Đắk Lắk đóng điện cho người dân thôn Bình Lợi, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp. Ảnh: Quang Huy-TTXVN |
Tổng giá trị sản phẩm GRDP của các tỉnh Tây Nguyên đạt trên 165.472 tỷ đồng, tăng 8,09%; trong đó, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tăng 5%, công nghiệp xây dựng tăng gần 11%, dịch vụ tăng gần 10%, cơ cấu GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực (giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản, tăng khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ). Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 của các tỉnh Tây Nguyên đạt trên 41,6 triệu đồng, tăng 5,02% so với năm 2016. Sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên phục hồi nhanh sau hạn hán, bão lũ, tập trung đầu tư hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, tiêu thụ. Đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên cũng đã linh hoạt chuyển đổi diện tích sản xuất, cơ cấu cây trồng, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động. Hiện nay, Tây Nguyên là vùng trọng điểm sản xuất cà phê, hồ tiêu của cả nước; trong đó, diện tích cà phê 582.149 ha (diện tích cho thu hoạch là 548.533 ha), sản lượng đạt trên 1,370 triệu tấn cà phê nhân, cây hồ tiêu có tổng diện tích trên 71.000 ha, sản lượng đạt trên 120.877 tấn tiêu hạt… Sản xuất nông nghiệp của Đắk Lắk tiếp tục phát triển, giữ vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế, góp phần chủ yếu trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương. Cụ thể, giá trị tổng sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Đắk Lắk đạt trên 19.468 tỷ đồng, tăng 4,25% so với năm 2016. Tổng diện tích gieo trồng đạt 648.126 ha, tăng 10% so với kế hoạch, tổng sản lượng lương thực đạt trên 1,2 triệu tấn, đạt 107%, tăng 71.865 tấn so với năm 2016, cây lâu năm đạt 317.478 ha, tăng 13% so với năm ngoái. Đắk Lắk là địa phương có diện tích, sản lượng cà phê, hồ tiêu nhiều nhất cả nước với diện tích cà phê là 202.476 ha, sản lượng đạt trên 450.000 tấn cà phê nhân; hồ tiêu 42.563 ha, sản lượng đạt 62.478 tấn tiêu hạt… Ngành chăn nuôi của các tỉnh Tây Nguyên cũng đã có những bước chuyển rõ rệt, từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật, tăng hiệu quả kinh tế. Công tác trồng mới rừng tập trung, tu bổ, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh, giao khoán, quản lý bảo vệ rừng có nhiều tiến bộ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Công nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục phát triển, nhiều sản phẩm chủ lực tăng khá, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2.662 triệu USD, tăng 22,71% so với năm 2016, thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 15,8% so cùng kỳ năm ngoái. Cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bước đầu phát huy hiệu quả. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có gần 23.330 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 14,9% so với năm 2016. Các tỉnh Tây Nguyên cũng thu hút được 235 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký 103.357 tỷ đồng, 9 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài, với tổng số vốn 109,9 triệu USD…Các tỉnh Tây Nguyên cũng thực hiện tốt chính sách dân tộc, nhất là tập trung hỗ trợ thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Công tác giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa xã hội trên địa bàn Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó, trên 99% số thôn, buôn có nhân viên y tế, có gần 7,6 bác sĩ/1 vạn dân, 61,4% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã… Cũng theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tăng trưởng kinh tế của vùng Tây Nguyên vẫn còn thấp so với tiềm năng, lợi thế vốn có, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chưa tạo được gắn kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất, giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ, tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm, giá cả một số mặt hàng chủ lực không ổn định, giảm mạnh, đã tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp… Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các tỉnh vùng Tây Nguyên tập trung rà soát quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện hiệu quả các đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, đẩy nhanh thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới… Các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung xử lý vấn đề đất đai, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng tập trung; đồng thời, quan tâm chỉ đạo công tác tín dụng chính sách, xây dựng hệ thống tín dụng đặc thù, tập trung chăm lo phát triển sản xuất, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Quang Huy