Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Các ổ dịch bệnh được phát hiện chủ yếu là 2 bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính và điều kiện môi trường bất lợi gây hại tôm, với tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại hơn 1.108 ha, tập trung ở các huyện An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận và một số địa phương khác. Hiện, tỉnh đã cấp miễn phí 10.590 kg hóa chất sát trùng Chlorine cho các hộ nuôi có tôm bị bệnh để bao vây, tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế lây lan. Hiện nay, nắng nóng gay gắt, độ mặn lên cao cùng với việc xuất hiện những cơn mưa trái mùa vào buổi chiều tối, mực nước trong ao đầm thấp, nhiều rong, tảo, nhưng hầu hết nông dân nuôi tôm không bố trí ao lắng, trữ nước để xử lý cấp vào ao, bổ sung nguồn nước cho tôm nuôi. Theo đó, nhiều ao đầm thiếu nước, thiếu oxy vào buổi sáng sớm, ô nhiễm khí độc H2S, NH3… nên nguy cơ xảy ra thiệt hại tôm nuôi do môi trường, dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao. Ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang khuyến cáo, nông dân nuôi tôm thường xuyên cập nhật kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường của Chi cục quan trắc về chất lượng nước để lấy nước có chất lượng tốt vào ao đầm; đồng thời, bố trí ao chứa, ao lắng để dự trữ nước và xử lý diệt khuẩn thật kỹ trước khi đưa vào ao nuôi. Các hộ nuôi tôm cần duy trì mực nước trong ao đầm thích hợp nhất đối với nuôi tôm - lúa, quảng canh - quảng canh cải tiến để hạn chế sự biến động của các yếu tố môi trường gây sốc cho đàn tôm, bù từ sự bốc hơi nước trong điều kiện thới tiết nắng nóng gay gắt kéo dài.
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Cùng với đó, ngành thủy sản Kiên Giang kết hợp với các địa phương vùng nuôi tôm trọng điểm trên địa bàn hướng dẫn, khuyến cáo nông dân nuôi tôm thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của tôm, kiểm tra các yếu tố môi trường để kịp thời điều chỉnh phù hợp. Khi phát hiện tôm bệnh, có những biểu hiện bất thường phải báo ngay cho cán bộ thú y địa phương xử lý, không xả nước trong ao nuôi tôm bị bệnh ra ngoài môi trường khi chưa xử lý nhằm tránh lây lan. Khi xuất hiện những cơn mua trái mùa bón vôi quanh ao để ổn định pH trong ao; tăng cường quạt nước, sụt khí, bổ sung các yếu tố vi lượng, khoáng, vitamin tăng sức đề kháng cho tôm. Đến nay, tỉnh Kiên Giang thả nuôi tôm nước lợ khoảng 119.500 ha, đạt 95% kế hoạch; tập trung ở các huyện An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Kiên Lương, Giang Thành và Hòn Đất; trong đó, nuôi tôm công nghiệp 1.080 ha, quảng canh - quảng canh cải tiến 26.528 ha, diện tích còn lại là tôm - lúa. Sản lượng tôm thu hoạch 4 tháng đầu năm 18.160 tấn, đạt gần 24% kế hoạch, tăng trên 21% so với vùng kỳ năm 2018. Hiện, tôm nguyên liệu có giá khá cao trên thị trường, nông dân nuôi tôm phấn khởi được giá trúng mùa. Cụ thể như: tôm sú trọng lượng 30 con/kg giá 205.000 - 210.000 đồng/kg, tôm thẻ 100 con/kg trên dưới 100.000 đồng/kg.
Lê Huy Hải