Cánh đồng lớn ở Hợp tác xã Kênh 4A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, Sở đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân cách làm đất, cách vụ, gieo sạ theo lịch né rầy; sử dụng giống xác nhận, cấy lúa và gieo sạ thưa 80 - 120 kg/ha, áp dụng kỹ thuật “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm” vào sản xuất vụ Hè Thu. Bên cạnh đó, Sở tăng cường tập huấn kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh gây hại lúa cho nông dân kết hợp thực hiện tốt công tác theo dõi, điều tra sâu bệnh và dự báo chính xác, kịp thời diễn biến tình hình, xu hướng phát triển của dịch hại để chủ động phòng trừ, chăm sóc bảo vệ lúa; đồng thời, triển khai phát triển cánh đồng lớn ở những nơi có điều kiện thuận lợi, thích hợp, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu lúa hàng hóa cho nông dân. Cùng với đó, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang kết hợp với các địa phương quản lý vận hành đóng, mở hệ thống cống ven biển để ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết hợp lý nguồn nước giữa các vùng chuyên lúa, chuyên tôm, tôm - lúa theo yêu cầu thực tế tại từng thời điểm sản xuất, từng khu vực… Đối với các khu vực ven biển, ven sông Cái Lớn, Cái Bé ảnh hưởng hạn mặn tiến hành khoanh vùng, chủ động các giải pháp ứng phó kịp thời, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi có yêu cầu cấp bách phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt cho nhân dân. Mặt khác, tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tập trung tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng giống lúa, vật tư nông nghiệp, nhất là những điểm mua bán giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu... để ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp kinh doanh, mua bán giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, gây thiệt hại cho sản xuất. Để bảo vệ lúa Hè Thu và quản lý, phòng ngừa rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá không bùng phát thành dịch, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kiên Giang cũng khuyến cáo nông dân cần cảnh giác, chủ động theo dõi mật số rầy nâu, kiểm soát chặt chẽ nguồn rầy nâu trên đồng ruộng để ứng phó kịp thời; không gieo sạ liên tục sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân, cho đất nghỉ ít nhất 20 ngày nhằm chấm dứt nguồn bệnh và rầy nâu trên đồng; làm tốt, đúng kỹ thuật khâu vệ sinh đồng ruộng, thực hiện đúng lịch thời vụ, gieo sạ đồng loạt, tập trung, né rầy; sử dụng lúa giống có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng và gieo sạ với mật độ thưa… Sản xuất vụ lúa Hè Thu năm 2019, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch gieo trồng 280.000 ha, phấn đấu năng suất bình quân 5,61 tấn/ha, sản lượng hơn 1,57 triệu tấn.
Lê Huy Hải