Kiên Giang khôi phục phát triển rừng phòng hộ ven biển. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Ông Trần Phi Hải - Giám đốc Ban quản lý rừng An Biên - An Minh cho biết, rừng phòng hộ ven biển này gồm 2 đai rừng chính và phụ. Đai rừng phụ được quy hoạch từ đê quốc phòng đến đai rừng mắm, chủ yếu là cây đước, diện tích 2.985 ha, đã giao khoán cho 867 hộ gia đình và tổ chức. Đai rừng chính được quy hoạch từ đai rừng phụ đến đai rừng mắm hiện hữu giáp với bãi bồi, diện tích 1.012 ha chủ yếu là cây mắm, gồm rừng tự nhiên 754 ha, còn lại 257,8 ha là rừng trồng qua các năm do Ban quản lý rừng quản lý tập trung.
Rừng phòng hộ ven biển rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, dân cư sống tập trung ở các rạch xuôi ra biển. Ban quản lý rừng và hộ nhận khoán đã kết hợp chặt chẽ để thực hiện nuôi trồng thủy sản, quản lý bảo vệ rừng. Nhờ đó, rừng được giao khoán cho người dân ngày càng phát triển, phát huy chức năng phòng hộ.
Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, diện tích rừng bị sạt lở, nhiều. Ban quản lý rừng An Biên - An Minh đã thực hiện nhiều chương trình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Chính phủ. Tính từ năm 2016 đến nay, Ban quản lý rừng đã triển khai 3 dự án để khôi phục rừng phòng hộ ven biển. Điển hình là dự án khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016 - 2020 đã trồng được gần 170 ha rừng mắm khu vực bãi bồi ven biển và 88 ha rừng đước trong khu vực giao khoán cho hộ nhận khoán. Cùng đó là dự án gây bồi tạo bãi trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển xã Nam Thái, huyện An Biên từ năm 2016 đến nay đã trồng xong 35 ha rừng bằng cây mắm...
Phát triển rừng phòng hộ ven biển Kiên Giang nhằm khắc phục tình trạng sạt lở, tăng nhanh quá trình lấn biển, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ sản xuất lâm - ngư của người dân an toàn, bền vững và hiệu quả. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Ban quản lý rừng An Biên - An Minh thường xuyên tuyên truyền, vận động hộ nhận khoán tiếp tục trồng dặm những nơi cây bị chết, chưa đảm bảo tỉ lệ 7/3 (đối với hộ nhận khoán rừng phải đạt 70% diện tích có rừng, 30% diện tích mặt nước kết hợp nuôi trồng thủy sản). Từ đó, huyện từng bước khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn; khắc phục tình hình sạt lở bờ biển, tăng nhanh quá trình lấn biển, thích ứng biến đổi khí hậu, hạn chế nước biển dâng để đảm bảo các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng, sản xuất của người dân bên trong đai rừng phòng hộ.
Tuy nhiên, ông Trần Phi Hải chia sẻ, quá trình trồng rừng phòng hộ ven biển cũng gặp không ít khó khăn. Mặc dù là vùng biển tương đối kín nhưng vào những mùa gió trong năm, sóng biển rất lớn, phức tạp về dòng chảy, gây biến động bãi bồi, xói lở mạnh. Do đó, cây sau khi trồng bị sóng đánh đổ và mất bãi. Mùa lũ mang lại một lượng phù sa rất lớn nhưng cũng kéo theo một lượng lớn cây lục bình từ trong các kênh, rạch tràn ra làm chết cây trồng.
Mặt khác, cây ngập mặn muốn sinh trưởng, phát triển thì bãi bồi ngập mặn nhất thiết phải có đủ thời gian phơi bãi. Thế nhưng, có những thời điểm trong năm, mực nước biển thường xuyên dâng cao và không rút cạn bãi. Điều này khiến cây mới trồng bị ngạt và chết. Cùng đó, việc khai thác thủy, hải sản trái phép của người dân, như cào sò, đánh lú, đăng… trong khu vực trồng rừng khai thác bất chấp hàng rào chắn và biển báo cấm cũng khiến cây trồng bị chết, công trình phụ trợ hư hỏng.
Đó là chưa kể, tình hình bờ biển không ổn định, khi bồi khi lở không theo quy luật làm ảnh hưởng lớn đến việc trồng rừng ven biển. Có những nơi, khi khảo sát để trồng rừng thì là bãi bồi nhưng khi trồng xong thì lại xảy ra xói lở, làm mất đi diện tích rừng vừa mới trồng, gây thiệt hại rất lớn.
Bên cạnh đó, nhiều hộ nhận khoán hiện nay không muốn trồng rừng vì sợ giảm diện tích mặt nước nuôi trồng của họ. Có những nơi, sau khi trồng rừng xong, việc quản lý, bảo vệ không tốt làm ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ cây sống…, ông Hải cho hay.
Lê Sen