Kiên Giang huy động các nguồn lực chống sạt lở ven biển

Kè tạm ngăn sạt lở bảo vệ đê quốc phòng khu vực bờ biển Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Kè tạm ngăn sạt lở bảo vệ đê quốc phòng khu vực bờ biển Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, tỉnh Kiên Giang thực hiện nhiều công trình thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả.

Kiên Giang huy động các nguồn lực chống sạt lở ven biển ảnh 1Kè tạm ngăn sạt lở bảo vệ đê quốc phòng khu vực bờ biển Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, đến trung tuần tháng 6/2020, tỉnh triển khai thực hiện nhiều công trình quản lý chống xói mòn, sạt lở ven biển, dự án phục hồi rừng ngập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế cho dân cư ven biển.

Cụ thể, xây dựng kè chống sạt lở ven biển Mũi Rãnh (An Biên), Mũi Nai (thành phố Hà Tiên), ven biển Bình Giang (Hòn Đất); mô hình xây dựng hàng rào giữ bùn gây bồi, tạo bãi phát triển rừng ngập mặn, chống sạt lở ven biển ở một số khu vực trên địa bàn 3 huyện Hòn Đất, An Biên, An Minh. Năm 2019, tỉnh đã giao khoán bảo vệ rừng 9.454 ha cho hộ dân sản xuất theo mô hình lâm - ngư kết hợp, khoanh nuôi tái sinh hơn 500 ha và trồng rừng gần 1.000 ha.

Tiếp đến, tỉnh thực hiện dự án xây dựng hệ thống cống trên tuyến đê biển Tây đoạn phía bắc Hà Tiên - Rạch Giá. Đến nay, tỉnh đã đầu tư hoàn chỉnh 22 cống thủy lợi phục vụ ngăn mặn, giữ ngọt và điều tiết nước cho vùng sản xuất ven biển phía nam quốc lộ 80 thuộc địa bàn thành phố Rạch Giá và 2 huyện Hòn Đất, Kiên Lương.

Đối với xây dựng hệ thống cống trên đê biển Tây đoạn phía nam An Biên - An Minh giáp ranh giới tỉnh Cà Mau, đến nay tỉnh đã đầu tư hoàn chỉnh 6 cống ngăn mặn, giữ ngọt bằng nguồn vốn Trung ương và địa phương; 9 cống thuộc tiểu dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống xói lở bờ biển và hỗ trợ nuôi trồng thủy sản huyện An Biên, An Minh (Kiên Giang)…

Cùng với đó, tỉnh triển khai 2 dự án xây dựng đê biển, đường giao thông dọc hành lang phía tây đường ven biển đoạn phía bắc Hà Tiên - Rạch Giá dài 85 km, tổng mức đầu tư 874 tỷ đồng và đoạn phía nam Rạch Giá - Cà Mau dài 80 km, tổng mức đầu tư 1.067 tỷ đồng. Cả 2 dự án này đang chờ bố trí vốn để thực hiện.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, rà soát, quy hoạch thủy lợi trên địa bàn có tính đến điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch này năm 2018, với tổng mức đầu tư thực hiện các công trình 19.534 tỷ đồng…

Để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân trên đảo huyện Kiên Hải, tỉnh đầu tư xây dựng hồ chứa nước Bãi Nhà và Bãi Cây Mến dự kiến đưa vào vận hành sử dụng cuối năm 2020. Đồng thời, đầu tư xây dựng mô hình các kênh, hồ chứa nước ngọt mùa khô vùng U Minh Thượng phục vụ sinh hoạt cho người dân, phòng chống cháy rừng và tưới cho hoa màu, cây ăn trái.

Lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của biến đổi khí hậu, nước biển dâng với nhiều hệ lụy, gây sạt lở bờ biển nghiêm trọng, mất rừng phòng hộ ven biển, đất sản xuất, hạn hán và xâm nhiễm mặn xảy ra… ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất và đời sống dân sinh. Vì vậy, nhiều dự án, công trình thích ứng với biến đổi khí hậu đã xây dựng hoàn thành đưa vào vận hành, sử dụng thời gian qua đã góp phần đáng kể trong giảm thiểu những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện các dự án, công trình cấp bách, nhất là chống sạt lở ven biển, xây dựng đê biển kết hợp đường giao thông trên tuyến đê biển tây, cống thủy lợi và những mô hình kinh tế dân sinh hiệu quả… Từ đó, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, hiệu quả.

Lê Huy Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm