Kiên Giang hỗ trợ gần 30 tỷ đồng hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Mô hình sản xuất nông nghiệp đang dịch chuyển sang kinh tế nông nghiệp quy mô lớn tại Kiên Giang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Ảnh :dangcongsan.vn
Mô hình sản xuất nông nghiệp đang dịch chuyển sang kinh tế nông nghiệp quy mô lớn tại Kiên Giang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Ảnh :dangcongsan.vn

Năm 2021, tỉnh Kiên Giang hỗ trợ gần 30 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và tỉnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn.

Kiên Giang hỗ trợ gần 30 tỷ đồng hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ảnh 1Mô hình sản xuất nông nghiệp đang dịch chuyển sang kinh tế nông nghiệp quy mô lớn tại Kiên Giang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Ảnh: dangcongsan.vn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cả chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên thông qua việc nâng cao nhận thức của toàn dân về kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Song song, tỉnh tăng cường năng lực của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng khu vực; tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình, nhất là kinh tế hộ nông dân trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ thành lập mới, củng cố tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, với các đối tượng là hợp tác xã, liên minh hợp tác xã đang hoạt động; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập từ việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; người có nhu cầu thành lập tổ chức kinh tế tập thể.

Cụ thể, tỉnh sẽ cung cấp thông tin, tư vấn, tập huấn, phổ biến quy định pháp luật về kinh tế tập thể, hợp tác xã; hỗ trợ, tư vấn xây dựng hoặc sửa đổi điều lệ, hướng dẫn và thực hiện các thủ tục sắp xếp, củng cố lại tổ chức, hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã cho phù hợp với các quy định hiện hành.

Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế tập thể thông qua việc đào tạo trong nước trình độ thạc sĩ và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ngắn hạn. Đối tượng hỗ trợ là thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các tổ chức kinh tế tập thể; công chức làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể tại các sở, ngành, địa phương; công chức, viên chức của liên minh hợp tác xã các cấp, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; giảng viên về kinh tế tập thể trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.

Mặt khác, tỉnh hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, với các đối tượng là tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động trên tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, gồm các nội dung: tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn trong và ngoài nước; chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc; chi phí thuê địa điểm và vận hành một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm cho các tổ chức kinh tế tập thể tại các địa phương.

Tỉnh cũng hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm, với các đối tượng là các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp.

Cụ thể, tỉnh hỗ trợ nhà xưởng sơ chế, thiết bị đóng gói, đấu nối điện 3 pha và các thiết bị tại Hợp tác xã Nuôi, trồng thủy sản Tân Huy Hoàng ở thành phố Hà Tiên; hỗ trợ nhà trồng nấm, nhà máy sản xuất phân bón, trại sản xuất meo và nấm, nhà màng 1.500 m, nhà kho, hệ thống điện 3 pha tại Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Thanh niên Gò Quao ở huyện Gò Quao; hỗ trợ nhà kho, máy hút ẩm tại Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Thuận Phát ở huyện Gò Quao; hỗ trợ máy sấy và các thiết bị sơ chế, kho dự trữ tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát ở huyện Vĩnh Thuận.

Năm 2021, tỉnh có kế hoạch thành lập mới 15 hợp tác xã; trong đó, có 9 hợp tác nông nghiệp và 50 tổ hợp tác gắn với xây dựng cánh đồng lớn; xây dựng 15 mô hình tổ chức kinh tế tập thể ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững; trên 40% tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có liên kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể khác.

Tỉnh phấn đấu năm 2021 có trên 85% hợp tác xã hoạt động sản xuất có lãi; trong đó, hơn 50% hợp tác xã khá, giỏi và hơn 35% hợp tác xã trung bình, hạn chế thấp nhất hợp tác xã yếu kém; 100% hợp tác xã, liên minh hợp tác xã tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã.

Lê Huy Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm