Sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 461/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020”, đến nay, các hợp tác xã ở Bình Thuận đã có những đổi mới quan trọng, không chỉ trong phát triển kinh tế, mang lại lợi ích cho các thành viên tham gia mà còn góp phần quan trọng trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Hợp tác xã dịch vụ, sản xuất thanh long Hàm Minh 30 là mô hình kiểu mới hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, được đánh là một trong những hợp tác xã nông nghiệp thành công nhất trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Hiện nay, hợp tác xã có 11 thành viên tham gia sản xuất 20 ha thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP. Hầu hết diện tích đều được ứng dụng cơ giới hóa các khâu trong sản xuất, đang từng bước tạo nên một vùng chuyên canh cây thanh long theo hướng sản xuất hàng hóa. Theo bà Lê Phương Chi, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ, sản xuất thanh long Hàm Minh 30, sản xuất thanh long sạch theo hướng VietGAP, Global GAP mở ra một hướng đi an toàn và bền vững cho trái thanh long, đây cũng là xu hướng chung của thế giới. Vì vậy, để tồn tại không còn cách nào khác là người nông dân phải tham gia sản xuất thanh long an toàn.
Không chỉ sản xuất thanh long an toàn, Hợp tác xã Hàm Minh 30 còn ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và ký hợp đồng với nông dân để sản xuất theo quy trình liên kết chuỗi giá trị. Từ đó tạo nên một chu trình khép kín trong sản xuất, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu thanh long; khuyến khích tiêu thụ nông sản bằng hợp đồng có định hướng để mở ra hướng đi tích cực. Sau 5 năm hoạt động, sản phẩm trái thanh long của Hợp tác xã đã xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Hàn Quốc (60 tấn/năm) đồng thời cung cấp sản phẩm trái tươi cho các đối tác xuất khẩu đi các thị trường châu Âu (100 tấn/năm)… Nhờ vậy, sản xuất và thu nhập của các thành viên trong hợp tác xã ổn định, tăng cao hơn so với trước đây. Cũng từ các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, đến nay, Hợp tác xã đã có 2 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao cấp tỉnh là trái thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng. Hợp tác xã đã bước đầu chế biến sản phẩm thanh long sấy khô.
Bên cạnh đổi mới cách thức hoạt động, tham gia xây dựng các chuỗi giá trị, hiện nay, nhiều Hợp tác xã nông nghiệp tại Bình Thuận còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào quá trình sản xuất. Hợp tác xã muối Thanh Phong áp dụng công nghệ cơ giới hóa vào sản xuất muối. Hợp tác xã thanh long Hàm Đức áp dụng công nghệ lên men để sản xuất rượu vang thanh long. Hợp tác xã công nghệ cao Bình Minh áp dụng công nghệ nhà lưới có hệ thống điều khiển bán tự động trong trồng dưa lưới...
Trong 3 năm qua, các chính sách hỗ trợ về đào tạo nhân lực, hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, các chính sách về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ và kịp thời, góp phần từng bước gỡ khó cho các hợp tác xã nông nghiệp.
Điển hình như, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Thuận đã tổ chức 44 lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 2.300 cán bộ quản lý, thành viên hợp tác xã; tổ chức cho hơn 100 lượt hợp tác xã tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị, sự kiện, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất thông qua việc xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương…
Theo đánh giá của Liên minh Hợp tác xã, nhờ các chính sách hỗ trợ từ đề án, các hợp tác xã đã từng bước mở rộng dịch vụ, phát triển thêm ngành nghề, làm đầu mối tiếp nhận các chương trình chuyển giao kỹ thuật và các nguồn vốn phục vụ trực tiếp cho kinh tế hộ, kinh tế trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Một số hợp tác xã đã mạnh dạn huy động vốn, trang bị thêm tài sản cố định đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn; tự khẳng định được mình.
Tính đến cuối năm 2020, Bình Thuận có hai Liên hiệp hợp tác xã và 150 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 45 hợp tác xã so với năm 2017. Trong đó, 18 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, 56 hợp tác xã thực hiện liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản cho thành viên. 19 hợp tác xã sở hữu sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020, trong đó, tập trung ở các ngành hàng chủ lực như: thanh long, rau ăn lá, sầu riêng, lúa gạo, nước mắm truyền thống và hải sản chế biến.
Khó khăn lớn nhất của các hợp tác xã là thiếu vốn để đầu tư sản xuất, hầu hết đều có quy mô nhỏ. Việc tăng trưởng của các hợp tác xã nông nghiệp chưa thực sự đồng đều trên tất cả các lĩnh vực; kết quả doanh thu và lợi nhuận cao thường tập trung vào các hợp tác xã điển hình; một số hợp tác xã còn lại chưa có nhiều bứt phá… Thời gian tới, Bình Thuận tập trung hoàn thiện khung pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã phát triển; xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp nhưng không phải là bao cấp cho hợp tác xã; đưa phát triển hợp tác xã là nội dung cấu thành trong chiến lược, kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng vận động các doanh nghiệp lớn tham gia liên kết cùng các hợp tác xã nông nghiệp nhằm tạo động lực chuyển đổi hoạt động của các hợp tác xã để thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng sản lượng, nâng cao giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện để các hợp tác xã tham gia các hoạt động thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; gắn việc phát triển hợp tác xã với OCOP theo các nhóm ngành hàng thực phẩm nông sản trọng điểm của tỉnh…
Hồng Hiếu